Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Các trường hợp không được tổ chức dạy thêm, học thêm
Theo Thông tư mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Theo Thông tư, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc đối tượng quy định này viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp.
Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.
Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh. Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường. Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 tiết/tuần.
Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.
Quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư nêu rõ, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.
Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Bộ GDĐT cho biết, Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được xây dựng lần này với mục đích cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông mới và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thông tư được xây dựng trên các quan điểm sau:
Thứ nhất, dạy thêm, học thêm liên quan đến hoạt động giáo dục, tới học sinh và giáo viên nên cần phải quản lí thông qua việc ban hành các quy định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên, học sinh, gia đình học sinh theo các quy định hiện hành. Bộ GDĐT có trách nhiệm ban hành quy định bảo đảm việc dạy thêm, học thêm phải tuân thủ các quy định của pháp luật đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Thứ hai, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thứ ba, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh; ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh mặc dù không có nguyện vọng, không có nhu cầu nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp dạy thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức.
Trong quá trình xây dựng Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ GDĐT đã tổ chức các hội thảo đánh giá thực trạng thực hiện việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của các địa phương; tổng hợp báo cáo các đoàn kiểm tra nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm làm căn cứ đề xuất các chính sách, giải pháp quản lí khi xây dựng dự thảo Thông tư. Ngoài ra, Bộ GDĐT đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý dạy thêm, học thêm.
Bộ GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến 63 Sở GDĐT, các hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục thông qua nhiều hình thức khác nhau như gửi văn bản lấy ý kiến trực tiếp, tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến… các ý kiến cơ bản đều đồng tình, thống nhất với dự thảo Thông tư. Bộ GDĐT cũng đã tổ chức lấy ý kiến Công đoàn Giáo dục Việt Nam và đăng tải dự thảo Thông tư trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin Bộ GDĐT để lấy ý nhân dân. Thông tư ban hành trên cơ sở tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý.
Tác giả: Tiểu học Kim An, Phạm Thị Kim Liên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn