Nếu thi thăng hạng, nhiều thầy cô ở HN đến lúc hưu có thể vẫn chỉ là GV hạng III

Thứ sáu - 04/08/2023 10:34
GDVN- Đủ điều kiện làm hồ sơ dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III lên hạng II, giáo viên ở Hà Nội gửi tâm thư mong được xét thăng hạng, không phải thi.
Nếu thi thăng hạng, nhiều thầy cô ở HN đến lúc hưu có thể vẫn chỉ là GV hạng III

Ngày 31/7/2023, nhiều giáo viên Hà Nội gửi tâm thư đến Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với nguyện vọng được xét (không phải thi) thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II.

Thầy Nguyễn Văn Đường (sinh năm 1979) - giáo viên môn Lịch sử ở Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, danh sách gửi kèm theo tâm thư khoảng 2.500 giáo viên. Tốt nghiệp đại học năm 2008, đến nay, thầy Đường có 15 năm công tác trong ngành giáo dục.

Trong thư, thầy Đường đề cập đến việc giáo viên vui mừng, phấn khởi khi ngày 6/7/2023 Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội có Công văn số 2368/SGDĐT – TCCB về việc hướng dẫn thu, xét hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu hình thức, nội dung và thời gian thi thăng hạng theo Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/09/2020 Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, giáo viên cảm thấy băn khoăn vì nếu thi thăng hạng thì ngoài phải thi môn kiến thức chung, nghiệp vụ chuyên ngành, giáo viên phải làm bài thi môn Ngoại ngữ, Tin học. Do đó, những giáo viên lớn tuổi tham gia thi thăng hạng sẽ rất bất lợi.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đường cho biết, thầy đạt đủ các tiêu chuẩn, điều kiện chung và điều kiện cụ thể để thăng hạng từ giáo viên trung học phổ thông hạng III (Mã số V.07.05.15) lên giáo viên trung học phổ thông hạng II (Mã số V.07.05.14) theo Công văn số 2368 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và đã làm hồ sơ dự thăng hạng vào tháng 7/2023.

Song, Công văn số 1783/SNV – CCVC của Sở Nội vụ Hà Nội ngày 21/6/2023 về việc hướng dẫn tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và Công văn số 2368 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không chỉ rõ đối tượng viên chức nào được xét, đối tượng nào phải thi thăng hạng khiến giáo viên hoang mang.

Theo thầy Đường, trước đó, một số địa phương như Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hưng Yên,… giáo viên hạng III được xét lên hạng II mà không cần thi. Đơn cử như ngày 13/4/2023, Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 1256/QĐ-SNV về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông từ hạng III lên hạng II năm 2022. Theo đó, giáo viên trung học phổ thông tỉnh Hưng Yên khi đủ điều kiện sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II từ tháng 4/2023 mà không cần thi.

Hay ở Hà Nội, có giáo viên trung học cơ sở (cụ thể là ở quận Bắc Từ Liêm, quận Long Biên) nhận Quyết định của Sở Nội vụ tháng 11/2020 về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức; Quyết định của Sở Nội vụ tháng 11/2022 về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng II và xếp lương đối với viên chức.

Do đó, thầy Đường chia sẻ: “Các giáo viên đề đạt nguyện vọng mong được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II mà không phải thi để đảm bảo công bằng cho giáo viên như một số địa phương và một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Là một trong những giáo viên trong danh sách dự thăng hạng đợt này, cô N.H (sinh năm 1977) – giáo viên dạy môn Ngữ văn của một trường trung học phổ thông ở Hà Nội chia sẻ: “Tốt nghiệp đại học năm 2002, trong 21 năm giảng dạy môn Ngữ văn, công việc chuyên môn tôi không sử dụng đến tiếng Anh nên đã mai một kiến thức nhiều.

Chính vì thế, dù có cống hiến, thành tích trong quá trình công tác, đủ điều kiện làm hồ sơ dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nhưng nếu phải thi, tôi cũng như nhiều giáo viên lớn tuổi khác chắc chắn tỉ lệ đỗ không cao”, cô H. chia sẻ.

Cũng theo cô H., 3 năm trước, cô H. có tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II nhưng do trước đó cô phải làm nhiệm vụ chấm thi học sinh giỏi quốc gia, thời gian ôn luyện không nhiều nên trượt môn tiếng Anh.

Tháng 7/2023, gần 50 giáo viên ở trường cô H. đủ điều kiện làm hồ sơ dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông từ hạng III lên hạng II, trong đó có nhiều thầy cô chỉ còn 2-3 năm nữa là về hưu.

“Một số địa phương quyết định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, không phải thi nên giáo viên ở Hà Nội rất mong muốn được xét thăng hạng để", cô N.H chia sẻ.


Nên bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Cùng chia sẻ với phóng viên, tính từ thời điểm có bằng đại học sư phạm Vật lý đến nay, thầy Đỗ Xuân Lương - giáo viên Vật lý của Trường Trung học cơ sở Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có 12 năm 8 tháng giảng dạy.

Thầy Lương là 1 trong 2 giáo viên của Trường Trung học cơ sở Tam Hiệp đủ các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể để dự thăng hạng từ giáo viên trung học cơ sở hạng III (Mã số V.07.04.32) lên giáo viên trung học cơ sở hạng II (Mã số V.07.04.31) theo quy định tại Công văn số 2368 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ngày 17/7/2023, thầy Lương cùng đồng nghiệp làm hồ sơ và được nhà trường phê duyệt.

Theo thầy Lương, tháng 4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư 01, 02, 03, 04 năm 2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, giáo viên rất vui.

Song, năm học tới đây, ngoài dạy môn Vật lý, thầy Lương đảm nhận dạy tích hợp Khoa học tự nhiên, phải tự nghiên cứu thêm các phân môn Sinh học và Hóa học nên nếu phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà không được xét, thầy Lương sẽ rất khó đạt vì thời gian ôn tập không nhiều, khả năng tiếng Anh hạn chế.

“Thế hệ 7X trước đây không có nhiều điều kiện để học tiếng Anh nhiều nên rất khó đạt khi phải thi thăng hạng. Chưa kể, để tham gia thi, giáo viên sẽ phải dành thời gian ôn, khó tập trung thực hiện nhiệm vụ giảng dạy khi năm học mới đang cận kề”, thầy Lương chia sẻ.

Cũng theo thầy Lương, việc nhà trường thông qua hồ sơ dự thi thăng hạng của giáo viên cũng đã chứng tỏ giáo viên có cống hiến, thành tích và xứng đáng có chức danh ở hạng cao hơn.

Một số địa phương xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, thầy Lương mong Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng tạo điều kiện để giáo viên được xét, không phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III lên hạng II để thầy cô thay vì dành thời gian ôn thi sẽ tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn của mình.

Tác giả: Tiểu học Kim An

Nguồn tin: giaoducVietNam.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây