Sự thay đổi môi trường học tập có thể gây ra nhiều khó khăn cho con, đặc biệt là trong quá trình thích nghi.
Thông thường, đến một môi trường mới, trẻ thường có tâm lý hoảng sợ, gào khóc… Bởi tất cả con người, cảnh vật ở đó đối với trẻ đều xa lạ. Thậm chí, nhiều trẻ lần đầu rời vòng tay bố mẹ, khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Đặc biệt là với trẻ phải chuyển trường.Anh Nguyễn Văn Huy (Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự, gia đình chuẩn bị cho con gái 2 tuổi đi học mầm non. Tuy nhiên, giống như tâm trạng của các phụ huynh khác, vợ chồng anh rất lo lắng vì không biết con sẽ thích ứng với môi trường mới như thế nào.
“Từ khi sinh ra, con luôn ở cạnh người thân, chưa xa gia đình bao giờ. Tôi lo lắng, không biết phải làm tư tưởng cho con ra sao” - anh Huy tâm sự.Chị Hoàng Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nghĩ đến cảnh ngày đầu đến lớp, con gào khóc nhìn theo bố mẹ ra về, khiến tôi không khỏi bối rối. Có lẽ, giai đoạn sắp tới là thời gian rất khó khăn của vợ chồng tôi và con”.
Nhớ lại những ngày lần đầu đưa con tới trường, chị Nguyễn Thị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, khi con trai chị được hơn một tuổi, vợ chồng chị đã quyết định gửi con vào trường mầm non tư thục.
Sau khi tham khảo kinh nghiệm từ những phụ huynh đi trước, mỗi ngày chị dành hai đến ba giờ đưa con tới lớp, làm quen với cô giáo và các bạn trước. Nhờ vậy, sau khi nhập học chính thức, con trai chị đã không còn tâm lý e sợ khi xa bố mẹ. “Nên để con có thời gian thích nghi với môi trường mới trước. Như vậy, các con mới không bị hoảng sợ, lạ lẫm” - chị Nhung nói.
Ngoài ra, trẻ chuyển cấp cũng gặp rất nhiều vấn đề khiến cha mẹ lo lắng. Không chỉ mặt tâm lý mà ngay cả sức khoẻ, thói quen cũng rất dễ bị ảnh hưởng khi con khó thích nghi được với môi trường mới.
Theo anh Nguyễn Duy Nam (Nam Định), vợ chồng anh phải làm việc cách xa nhà nên muốn chuyển trường cho con đến gần cơ quan cho tiện đưa đón. “Vợ chồng tôi rất lo lắng vì cháu học lớp 4, đã quen bạn bè, thầy cô. Khi nói sẽ phải chuyển trường, con nhất định phản đối và khóc lóc mỗi ngày”, anh Nam chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của chị Mỹ Duyên (Hoài Đức, Hà Nội), nhiều gia đình bao bọc con quá nhiều. Cần cho con làm quen với cách sống tự lập, để sau này trẻ dễ thích nghi khi không có bố mẹ ở bên. Bên cạnh đó, đừng coi việc chuyển trường hoặc bắt đầu đến trường là “phải”, hãy cho con sự cảm nhận rằng mình “được” đi học ở một môi trường mới với những điều kiện mới mẻ, thú vị.
Ảnh minh họa: INT. |
Theo TS Nguyễn Thu Thuỷ - Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, trước khi trẻ đến trường mới, hãy trò chuyện với con về việc chuyển trường và giải thích lý do. Hãy thể hiện sự ủng hộ và khích lệ trẻ rằng môi trường mới sẽ có nhiều cơ hội tốt cho sự phát triển và học tập.
Khuyến khích trẻ thể hiện những mong đợi và lo lắng, đồng thời dành thời gian lắng nghe trẻ về những mối quan tâm khi thay đổi xảy ra.
Ngoài ra, nếu có thể, cha mẹ hãy cùng trẻ thảo luận xem trường nào sẽ phù hợp hơn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Cũng có thể tổ chức một buổi liên hoan, tiệc chia tay cho trẻ và bạn bè nếu con mong muốn. Điều này giúp trẻ kết thúc thời gian ở trường cũ một cách vui vẻ và tạo ra những kỷ niệm tốt đẹp trước khi chuyển trường.
“Việc chuyển trường có thể gây ra một số căng thẳng và áp lực cho trẻ. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị và hỗ trợ đúng cách, trẻ sẽ vượt qua một cách thuận lợi. Đặc biệt, việc thảo luận, lắng nghe và đồng hành cùng trẻ trong quá trình chuẩn bị và chuyển trường là yếu tố quan trọng để giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn trong việc thích nghi với ngôi trường mới”, TS Thuỷ chia sẻ.
TS Nguyễn Thu Thuỷ cho biết thêm, để trẻ nhanh chóng thích nghi với ngôi trường mới, cha mẹ hãy dành thời gian đón con tan học. Nên có mặt ở trường sớm một chút khi đón con sẽ giúp trẻ cảm thấy an tâm và tự tin. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ có tính cách nhút nhát, sự hiện diện của bạn sẽ trấn an trẻ rất nhiều.
Hãy khuyến khích con kết bạn và tham gia các hoạt động xã hội tại trường. Cha mẹ có thể tìm hiểu về các câu lạc bộ hoặc các hoạt động ngoại khóa mà trẻ có thể tham gia để gặp gỡ và kết nối với bạn bè mới; tổ chức những buổi chơi, dạo chơi, hoặc dự tiệc nhỏ tại nhà để con có cơ hội giao lưu và kết nối với bạn bè mới.
Hãy thể hiện sự quan tâm và sẵn lòng hỗ trợ trẻ trong quá trình thích nghi với môi trường mới. Hãy luôn ở bên con, trao đổi về những khó khăn và trở ngại mà trẻ đang gặp phải, cùng tìm kiếm các giải pháp và cách giúp đỡ. Phụ huynh cũng có thể chia sẻ những câu chuyện tích cực về những trải nghiệm chuyển trường của bạn hoặc của người khác để trẻ cảm thấy an tâm và có niềm tin vào khả năng của mình.
Tác giả: Tiểu học Kim An, Tạ Huyền
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn