Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) hào hứng thiết kế sản phẩm trong bài học STEM. |
TP Cần Thơ và Đồng Tháp được chọn thí điểm giáo dục STEM. Sau thành công của hai địa phương, nhiều tỉnh trong Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã sẵn sàng để triển khai mô hình này.
Thành phố Cần Thơ, là một trong hai địa phương được chọn tham gia thí điểm giáo dục STEM. Ngành GD thành phố đã chọn 10 trường tiểu học thuộc 5 quận/huyện trên địa bàn thành phố để thực hiện. Đồng thời cử 56 cán bộ quản lý và giáo viên tham dự lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Ngành GD địa phương cũng chủ động xây dựng mô hình phù hợp thực tế địa phương; tổ chức 5 chuyên đề cấp huyện, đồng thời tập huấn lại cho toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học tham gia thí điểm. Sau một năm triển khai đã có 323 giáo viên thực hiện giảng dạy 119 chủ đề STEM và hơn 11.210 học sinh học tập trong môi trường giáo dục STEM, vượt kế hoạch đề ra.
Sở tổ chức sơ kết và tổng kết việc triển khai giáo dục STEM tại cấp tiểu học trên địa bàn, đồng thời khen thưởng và biểu dương tập thể và cá nhân thực hiện tốt công tác này. Trong năm học tới, sở tiếp tục nhân rộng đại trà giáo dục STEM trên toàn địa bàn thành phố.
Các trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai giáo dục STEM phù hợp với điều kiện. Sở cũng lưu ý các đơn vị cần tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, trong đó có việc xây dựng và lựa chọn chủ đề phù hợp với mục tiêu giáo dục STEM và mạnh dạn tạo ra chủ đề mới. Điều này nhằm đa dạng hóa hình thức tổ chức giáo dục STEM tại từng đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia và trải nghiệm.
Kinh nghiệm sau một năm triển khai cho thấy, các trường cần chủ động và mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các chuyên đề và thao giảng với trường bạn. Đây là cách để tạo môi trường học tập chung và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, nhà trường cần quan tâm kiểm tra và đánh giá hiệu quả việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục STEM.
Điều này đảm bảo rằng các hoạt động và chương trình học được thực hiện một cách hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, quan trọng là đánh giá đúng mức, không quá tải cho học sinh và giáo viên và sử dụng kết quả đánh giá để cải thiện quá trình triển khai giáo dục STEM.
Bên cạnh tổ chức “bài học STEM”, các đơn vị cũng nên đa dạng các hình thức tổ chức giáo dục STEM để tạo điều kiện cho học sinh khám phá và trải nghiệm. Cụ thể, tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM thông qua việc thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Điều này giúp học sinh có cơ hội tham gia vào hoạt động nghiên cứu, thực hành và áp dụng kiến thức STEM vào thực tế.
Duy trì không gian trải nghiệm STEM trong từng lớp học và khuôn viên nhà trường là điều cần lưu ý. Qua đó, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với tài liệu, thiết bị và tài nguyên phù hợp để thực hiện các hoạt động STEM.
Thầy trò ở Đồng Tháp trưng bày và giới thiệu các sản phẩm STEM. |
Để triển khai thí điểm giáo dục STEM trong học mới, sở đã chủ động xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể. Theo đó, sở lựa chọn 25 trường tiểu học trong năm học 2023 - 2024 để thực hiện thí điểm (mỗi huyện 3 trường, riêng Phụng Hiệp 4 trường). Trong năm học 2024 - 2025, ngành sẽ tổ chức đại trà cho các trường tiểu học khác.
Trước khi triển khai, ngành GD đã tổ chức tập huấn và bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên các kiến thức về giáo dục STEM. Thời gian tới, sở tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh khác đã triển khai thành công, tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cấp huyện và cấp tỉnh; đồng thời tiến hành đánh giá hiệu quả và sơ kết về mô hình giáo dục STEM cấp tiểu học tại các trường thí điểm.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, sở cũng chỉ đạo đơn vị báo cáo và tham mưu UBND các cấp để quan tâm bố trí nguồn kinh phí và trang bị cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục tiểu học phục vụ cho triển khai thí điểm.
Học sinh Trường TH Ngô Quyền (TP Cần Thơ) hào hứng thiết kế sản phẩm trong bài học STEM. |
Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch triển khai giáo dục STEM và tập trung chuẩn bị cho thí điểm tại 42 trường học, với 898 lớp và 29.095 học sinh trên địa bàn tỉnh.
Để trang bị kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ tham gia thí điểm Giáo dục STEM, sở đã phối hợp với chuyên gia giáo dục STEM của Bộ GD&ĐT tập huấn cho hơn 3.300 cán bộ quản lý và giáo viên của tất cả trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, sở tiếp tục tập trung vào việc tập huấn chuyên sâu cho hơn 1.500 cán bộ quản lý và giáo viên tại 42 trường thí điểm để đảm bảo sự thống nhất về nhận thức, hiểu rõ yêu cầu và phương pháp triển khai và rõ ràng về kết quả cần đạt được.
Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị tốt cho công tác thí điểm tại các địa phương, sở đã chỉ đạo phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch chỉ đạo trường tiểu học triển khai giáo dục STEM, đồng thời tích cực tham mưu với UBND cấp huyện để đảm bảo kinh phí và cơ sở vật chất cho việc triển khai.
Sản phẩm STEM của học sinh ở Cần Thơ. |
Thực hiện chủ trương mở rộng thí điểm giáo dục STEM trên toàn quốc, Sở GD&ĐT An Giang chính thức triển khai thí điểm giáo dục STEM tại 22 trường tiểu học từ năm học 2023 - 2024, hướng đến nhân rộng đại trà cho những năm tiếp theo, bắt đầu từ năm học 2024 - 2025.
Trong thời gian tới, sở tổ chức tập huấn nâng cao năng lực dạy học về giáo dục STEM cho cán bộ quản lý và giáo viên của các trường tham gia thí điểm. Đồng thời, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện mô hình giáo dục STEM để phát hiện và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc; tổ chức hội thảo và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nhằm phát huy những ưu điểm và tìm giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình triển khai.
Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT huyện, thị, thành phố tích cực xây dựng kế hoạch tập huấn và bồi dưỡng giáo viên, kiểm tra và đánh giá quá trình xây dựng và thực hiện giáo dục STEM tại cấp tiểu học trên địa bàn.
Đồng thời tham mưu UBND bố trí kinh phí và hỗ trợ cơ sở vật chất để đảm bảo hiệu quả của giáo dục STEM tại các trường tiểu học, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục STEM cho cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh.
Ngành GD tỉnh Vĩnh Long tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho cán bộ giáo viên chuẩn bị thí điểm đại trà. |
Giáo dục STEM ở cấp tiểu học có mục tiêu là tạo cơ hội để học sinh tích hợp kiến thức, kỹ năng ở các môn học đặc thù cho giáo dục STEM, như môn Toán, Công nghệ, phần tự nhiên trong môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học, môn Mỹ thuật và một số môn học khác… từ đó vận dụng kiến thức kỹ năng có được để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong từng chủ đề giáo dục STEM.
Chương trình GDPT 2018 đã thể hiện rõ định hướng triển khai các hoạt động giáo dục STEM, vừa mang nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ kỹ thuật và toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Trong Chương trình GDPT 2018 có đầy đủ các môn học thuộc lĩnh vực STEM, đó là môn Toán, Tự nhiên và Xã hội cho lớp 1, 2 và lớp 3; môn Khoa học cho lớp 4 và lớp 5. Môn Công nghệ và môn Tin học trong lớp 3, 4 và lớp 5.
Ngoài ra, chương trình cũng chú trọng tính thực tiễn, không quy định cứng về nội dung và thời lượng của các chủ đề, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các chủ đề giáo dục STEM trong dạy học các môn học cụ thể. Đặc biệt, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng tích hợp giai đoạn cơ bản, do đó, ở cấp tiểu học có thuận lợi để tiếp cận liên môn trong dạy học lĩnh vực STEM ở các môn học.
Để định hướng triển khai các hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 cho cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên.
Theo đó, muốn đưa giáo dục STEM vào kế hoạch giáo dục năm học như một hoạt động giáo dục trong môn học hay hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính thức, các bộ phận có liên quan như ban giám hiệu, tổ bộ môn, hội cha mẹ học sinh cần cùng thảo luận, bố trí linh hoạt và cần dự trù lên kế hoạch từ đầu năm học để tạo điều kiện thời gian không gian và cơ sở vật chất cho việc triển khai.
Theo bà Ngô Thúy Anh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT Đồng Tháp), do mới tiếp cận, một số giáo viên chưa xác định được môn học chủ đạo hoặc môn học tích hợp để triển khai hiệu quả. Việc tổ chức các hoạt động đôi khi gặp khó khăn do hạn chế về thời gian và cần phối hợp giữa nhiều giáo viên. Tuy nhiên, với việc tận dụng tối đa nguồn lực có sẵn và phối hợp của đội ngũ giáo viên, các trường từng bước tháo gỡ những khó khăn.
Tác giả: Tiểu học Kim An, Phạm Thị Kim Liên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn