Tự học thời công nghệ

Thứ bảy - 02/12/2023 10:53
Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của tự học trong bối cảnh hiện nay, ông Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa, Hà Nội chia sẻ giải pháp giúp học sinh tự học hiệu quả.
Tự học thời công nghệ

Những khó khăn trong tự học

- Ông đánh giá thế nào về ý thức và khả năng tự học của học sinh Việt Nam hiện nay?

- “Tự học” không đơn giản có được qua việc lặp lại một hành vi hay cơ chế thưởng - phạt. Vì thế, để có khả năng tự học, một học sinh cần nhiều thứ hơn là chỉ đều đặn đến trường mỗi sáng và ngồi vào bàn học tại nhà vào buổi tối. Tại Việt Nam, nhiều học sinh chưa có kỹ năng hoặc gặp nhiều khó khăn trong quá trình tự học. Những nguyên nhân chính có thể kể đến như:

Thứ nhất: Chưa có phương pháp học tập hiệu quả. Biểu hiện lớn nhất của điều này là việc học sinh học tập một cách thụ động, phụ thuộc vào thầy cô và sách vở. Khi học, các em thường ghi chép theo lối “học vẹt”, học tủ, học lệch, chưa hiểu bản chất của vấn đề. Dẫn đến tình trạng học nhiều nhưng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, hiểu, từ đó ảnh hưởng đến khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế.

Thứ hai: Kỹ năng đọc hiểu, ghi chép, tổng hợp chưa tốt. Đây là những kỹ năng quan trọng trong học tập. Tuy nhiên, nhiều học sinh chưa thành thạo. Đặc biệt, khi lên các cấp học cao hơn, khả năng đọc hiểu càng đóng vai trò thiết yếu để học sinh có thể thành công về mặt học thuật. Để có hiểu biết sâu sắc, đọc đơn thuần là chưa đủ, học sinh cần có kỹ thuật đọc, nắm được ý chính, phụ của bài học để hiểu mục tiêu và trọng tâm.

Bên cạnh đó, kỹ năng ghi chép và tổng hợp giúp các em thể hiện sự am hiểu, tư duy logic, cách sắp xếp để biến kiến thức được học thành của mình. Nếu thiếu các kỹ năng này, các em dễ rơi vào tình trạng ghi chép nhiều nhưng lại không biết cách sắp xếp logic, kiến thức bị rời rạc, không có hệ thống, đọc nhiều nhưng hiệu quả không cao.

Thứ ba: Chưa có động lực học tập. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự học. Bởi lẽ động lực học tập là yếu tố quan trọng thúc đẩy học sinh học tập hào hứng, say mê, và hiệu quả. Nhiều em chưa thấy được ý nghĩa và mục tiêu của việc học. Các em có thể học vì áp lực từ gia đình, thầy cô, hoặc để đạt điểm cao trong kỳ thi, nhưng lại chưa hiểu sự kết nối giữa kiến thức và kỹ năng học tập với thực tế. Điều này dẫn đến việc học trở thành nhiệm vụ ép buộc, không mang lại niềm vui, sự thỏa mãn. Tuy vậy, tạo động lực học tập lại là bài toán đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian, công sức từ 3 nhân tố “học sinh - giáo viên - phụ huynh”.

Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa thực hành thí nghiệm. Ảnh: NTCC
Học sinh thực hành thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Phương pháp tự học hiệu quả

- Vậy có phương pháp nào để học sinh có thể tự học hiệu quả, thưa ông?

- Để tự học hiệu quả, học sinh cần trang bị cho mình phương pháp học tập phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp tự học hiệu quả mà người học có thể tham khảo:

Xác định mục tiêu học tập: Bước đầu tiên trong quá trình tự học là xác định rõ mục tiêu học tập, sẽ giúp học sinh có định hướng đúng đắn và tập trung vào nội dung cần thiết, tránh xao nhãng.

Lập kế hoạch học tập: Sau khi xác định được mục tiêu học tập, học sinh cần lập kế hoạch cụ thể. Kế hoạch này giúp người học quản lý thời gian và quá trình học tập hiệu quả hơn. Đồng thời, kế hoạch rõ ràng nhằm theo dõi được tiến trình, tiến bộ của mình ở từng thời điểm, giai đoạn.

Tìm hiểu, mở rộng kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau: Việc học tập không nên bị giới hạn trong một bộ giáo trình hay khuôn khổ tiết học. Thay vào đó, học sinh nên được khuyến khích tìm hiểu, mở rộng kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau như sách báo, tài liệu tham khảo, Internet... Điều này giúp các em hiểu sâu sắc bài học đồng thời có cái nhìn rộng và tổng quát hơn về kiến thức và lĩnh vực mình đang tìm hiểu, nghiên cứu, từ đó có thể ghi nhớ lâu hơn.

 

Tự đặt câu hỏi: Tự đặt câu hỏi là một cách hiệu quả để học sinh rèn luyện tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề. Không đơn thuần nhằm giải đáp các thắc mắc, câu hỏi, tự đặt câu hỏi khuyến khích sự tò mò và tư duy sáng tạo, giúp các em có cái nhìn đa chiều cho một sự vật, hiện tượng; hình thành tư duy linh hoạt và học tập suốt đời.

Ông Ngô Huy Tâm trong vai trò chuyên gia các chuyên đề “Con cái của chúng ta” trên sóng Cafe Sáng VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: NVCC
Ông Ngô Huy Tâm trong vai trò chuyên gia các chuyên đề “Con cái của chúng ta” trên sóng Cafe Sáng VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: NVCC

Công nghệ đem đến cơ hội và rủi ro

- Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là ChatGPT ảnh hưởng đến việc tự học của học sinh như thế nào?

- Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là ChatGPT và các công nghệ trí tuệ nhân tạo tương tự, đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho việc tự học của học sinh. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một số thách thức và rủi ro mà các em cần phải hiểu và đối mặt.

Về tác động tích cực có thể kể đến:

Truy cập kiến thức dễ dàng và nhanh chóng: Công nghệ cho phép học sinh truy cập kiến thức từ khắp nơi trên thế giới thông qua Internet. Các em có thể học từ khóa học trực tuyến, video học tập, tài liệu, sách điện tử, thậm chí có thể tương tác với ứng dụng AI như ChatGPT để đặt câu hỏi và nhận hỗ trợ để hiểu bài.

Hỗ trợ, giải đáp bài tập, câu hỏi: Công nghệ AI như ChatGPT có khả năng giải quyết các bài toán và trả lời câu hỏi phức tạp. Học sinh có thể sử dụng công nghệ này để giải quyết các vấn đề học tập hoặc tìm kiếm thông tin cần thiết.

Cá nhân hóa học tập: Công nghệ AI có khả năng tùy chỉnh dựa trên nhu cầu, trình độ, khả năng cụ thể của mỗi học sinh. Các em có thể chọn những tài liệu và khóa học phù hợp với mục tiêu học tập của mình.

Thầy Ngô Huy Tâm và học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa trong một hoạt động giáo dục.
Thầy Ngô Huy Tâm và học sinh trong một hoạt động giáo dục.

Bên cạnh thuận lợi như trên là các hạn chế, cụ thể:

Tiếp cận với thông tin sai lệch:

ChatGPT được đào tạo trên một lượng dữ liệu văn bản lớn, trong đó gồm cả thông tin sai lệch. Phụ thuộc vào các công cụ này mà không có chọn lọc, đánh giá có thể dẫn đến hiểu nhầm, tiếp cận với kiến thức sai lệch và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của học sinh.

Giảm khả năng tư duy độc lập: Lạm dụng công nghệ có thể làm cho học sinh trở nên phụ thuộc trong quá trình tìm kiếm câu trả lời, dẫn đến lười tư duy, phản biện và thụ động trong học tập.

ChatGPT không thể thay thế hoàn toàn tương tác xã hội: Mặc dù có thể tận dụng ChatGPT như một trợ lý học tập đắc lực, các em vẫn cần sự hướng dẫn, hỗ trợ và đặc biệt là tương tác với giáo viên và bạn bè.

- Làm sao để học sinh tận dụng được lợi thế từ công nghệ này thay vì phụ thuộc trong quá trình tự học?

- Trước hết, học sinh biết cân nhắc và đánh giá thông tin. Cần tạo thói quen kiểm tra lại nguồn thông tin trước mọi tin tức, kiến thức mà mình tiếp xúc. Điều này sẽ giúp các em biết sử dụng thông tin có chọn lọc, tránh tin tưởng và sử dụng thông tin giả, sai lệch. Đồng thời, tạo sự cân bằng giữa công nghệ và tư duy độc lập. ChatGPT có thể hỗ trợ để đưa ra câu trả lời, dàn ý, ý tưởng. Các em cần dựa vào đó để phát triển nội dung, có sự điều chỉnh phù hợp. Sự kết hợp này giúp học sinh tối ưu hóa học tập, tiết kiệm thời gian đồng thời vẫn phát triển được tư duy.

 

Một số ứng dụng có thể hỗ trợ học sinh tự học hiệu quả:

Evernote: Đây là ứng dụng quản lý ghi chú, giúp học sinh tổ chức thông tin, lưu trữ ghi chú và tài liệu quan trọng.

Quizlet: Ứng dụng này giúp học sinh tạo và ôn tập bằng các bài kiểm tra, thẻ ghi nhớ và flashcards (thẻ thông tin).

Khan Academy: Một nền tảng giảng dạy trực tuyến với hàng nghìn bài giảng về nhiều chủ đề, từ toán học đến lịch sử và ngôn ngữ học.

Coursera và edX: Cung cấp khóa học trực tuyến từ các trường đại học và tổ chức giáo dục hàng đầu thế giới.

ChatGPT: Trợ lý ảo có thể trả lời câu hỏi và cung cấp thông tin về nhiều chủ đề.

Google Classroom: Ứng dụng này giúp học sinh tạo và quản lý bài tập, bài kiểm tra, trao đổi bài tập với bạn bè, thầy cô.

Duolingo: Ứng dụng này giúp học sinh học ngoại ngữ một cách thú vị và hiệu quả.

Tác giả: Tiểu học Kim An, Lê Thị Chính

Nguồn tin: Báo Giáo dục thủ đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây