Yêu thương qua lời phê thầy cô

Thứ tư - 10/01/2024 15:21
Yêu thương qua lời phê thầy cô
Tôi nhận ra, chúng ta có nhiều lời phê trong các quyển sổ học bạ, nhưng chỉ những lời phê có tâm mới đi cùng năm tháng.  

Khi tôi là học sinh
12 năm đi học, tôi nhận rất nhiều lời phê học bạ. Nhưng chỉ có một lời phê duy nhất, tôi mãi nhớ. Đó là lời phê của thầy giáo chủ nhiệm, cũng là người thầy dạy tôi môn Văn, năm lớp 12, dù không phải đó là lần đầu tôi được giáo viên dạy Văn chủ nhiệm. Tôi còn nhớ lời phê ấy: “Tính tình dịu dàng, trung thực, ít nói. Có tâm hồn văn, nội tâm phong phú, kiến thức là nguồn khám phán không mệt mỏi. Hăng say tìm tòi, học hỏi. Sức khỏe tốt. Chí hướng phấn đấu rõ ràng”.

Lời phê ấy tôi thích vì thầy tôi đã nhận xét rất đúng, về tôi. Thích hơn nữa vì thầy hiểu cả những điều tôi không nói. Tôi đã tự hỏi mình “sao thầy hiểu về mình nhiều thế”. Cho đến khi đi làm được 4- 5 năm thì tôi nhận ra, người sâu sắc họ chỉ nhìn, nghe là hiểu, không cần ta phải nói.

Có nhiều người rất tuyệt, nhưng chẳng nhớ lời phê học bạ nào vì trong mắt giáo viên của họ, học sinh nào cũng có phẩm chất và năng lực, thái độ, tính cách như nhau. Cả nỗ lực cũng như nhau luôn. Đại loại như “học giỏi/khá/trung bình; hạnh kiểm tốt; tham gia tốt các phong trào”. Nghĩa là khoảng 80 phần trăm sẽ có lời phê học bạ giống nhau. Họ không nhớ cũng phải thôi. Vì điều thầy cô giáo của họ phê, đúng cho hầu như tất cả học sinh. Trong khi, mỗi học sinh là duy nhất. Ngoại hình, hình thể còn riêng, nói chi đến tính cách, vô hình, bí ẩn. Nhưng giáo viên nhận xét như nhau, lạ chưa.

Chúng ta có nhiều thầy cô giáo trong đời, nhiều lời phê của họ nhưng không có nhiều lời phê để chúng ta nhớ, không nhiều những lời phê như tiếng nói bên trong của chúng ta. Không nhiều những lời phê như tiếp thêm sức mạnh cho ta mỗi khi ai đó chưa hiểu ta, hoặc hiểu nhầm ta. Nên, cần lắm những giáo viên phê học bạ không coi học bạ chỉ là thủ tục hành chính, mà xem nó như một tấm gương cho một tâm hồn.

Khi tôi là giáo viên

Khó hơn cả việc khó nhất trong chuyên môn của người giáo viên là chủ nhiệm lớp. Đây là việc kiêm nhiệm khó hơn chuyên môn. Vì chuyên môn ta được đào tạo, học tập, thực hành bài bản bằng cả tình yêu và năng lượng suốt thời thanh xuân; còn chủ nhiệm lớp là việc mới. Nếu thực hành thời thực tập cũng chưa có nhiều kĩ năng.

Khi làm chủ nhiệm, ta nhớ lại thầy ta, đồng nghiệp ta, những người thầy trong những bộ phim ta đã xem… để làm giáo viên chủ nhiệm.

Theo thời gian, ta tự có kinh nghiệm chủ nhiệm cho riêng mình.

Cuối năm là khoảng thời gian cực nhất của giáo viên chủ nhiệm. Vì giấy tờ, sổ sách. Cực vì nó đòi hỏi tính chính xác cao.

Thực tế, từ ngày tốt nghiệp phổ thông tới nay, tôi chưa bao giờ sử dụng dù chỉ một lần đến quyển sổ học bạ. Nhưng nó quan trọng với tôi. Đôi khi buồn tôi lại mở nó ra xem. Nó cũng quan trọng với nhiều người. Có người sổ học bạ rất đẹp về kết quả học tập, nhưng cuộc đời chẳng như thế. Và ngược lại. Nên, học và hành tuy hai mà một, tuy một mà hai. Trường học và trường đời vẫn không thể là một.

Khi tôi phê học bạ, tôi nhớ lại lời thầy tôi phê cho tôi. Tôi phải phê làm sao để học trò thấy được chính mình trong đó. Thấy được có người rất hiểu mình, dù sau này cạnh các em có thể luôn có ai đó hiểu sai về em. Nhưng rằng em không bao giờ cô đơn.

Năm nay, tôi có 2 ngày cho cả giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hoàn thành học bạ. Nghĩa là, giáo viên chủ nhiệm phải làm trong khoảng hơn 1 ngày với 30 học sinh, 30 tính cách, 30 con người, 30 số phận, 30 cuộc đời. Làm sao để chính xác, đủ, có tính giáo dục trong lời phê học bạ với khoảng thời gian eo hẹp đó.

Để nhận xét một học sinh bất kì, tôi dành khoảng 5 phút, hình dung nhanh, tái hiện lại tất cả những gì về em đó mà tôi còn ấn tượng, trong đầu. Những tiết học thường khuôn khổ, hỏi bài, học bài các em cũng chỉ trả theo hình thức nên nơi thể hiện phần nhỏ tâm hồn các em.

Nơi tự do nhất, như tiết lao động, là nơi thể hiện rõ hơn cá tính của các em. Là tiết học tự chọn, mà trong chương trình chẳng có tiết học tự chọn nào. Khó quá! Hỏi thêm bạn bè em, giáo viên bộ môn khác, tự em nhận xét. Chưa đủ. Tôi buộc phải hình dung lại tất tần tật những hình ảnh của em, trong đầu mình. Ví dụ, với N.P.P, học sinh cuối cùng của lớp, tôi hình dung lại: giải khuyến khích Toán Lương Thế Vinh, Giải nhì Toán Casio, Giải hai Kim cương Lý; Thứ 3 cuộc vì tháng Olympia; Bí thư đoàn tiêu biểu tỉnh…

Phê gì trong học bạ em khi học lực em Giỏi. Hạnh kiểm tốt. Nhiều thành tích trong học tập. À, em chọn mình là nhà leo núi. Em đã đạt thành tích tốt. Vậy khả năng đặc biệt của em chính là tự lựa chọn, tự học. Tôi nhớ lại những câu hỏi phản biện trong giờ học của em làm tôi phải tự chỉnh lại chính mình. Như khi tôi nói nhân vật Sherlock Holmes từng nói “Đối với một bộ óc lớn không có gì là nhỏ”. Em đã nói, “Cô ơi, đó là lời của nhân vật hay tư tưởng của nhà văn Arthur Conan Doyle?”. Tôi phê những gì đây? Cuối cùng, tôi phê “Nếu tiêu chí để đánh giá một học sinh ưu tú là khả năng tự học và tự học không ngừng thì em là học sinh đó. Tư duy phản biện tốt. Đó là khuyết điểm và cũng là ưu điểm lớn”.

Xin đừng phê học bạ như một thủ tục hành chính: “Chăm ngoan. Học tốt”; “Có cố gắng. Cần cố gắng hơn nữa”. Tôi tự hỏi em học sinh đó chăm ngoan hay là thụ động. “Học tốt”, là em học tốt cả 12 môn? “Có cố gắng” là cố gắng về vấn đề gì? Học tập hay lao động, hay tham gia phong trào? Tương tự, “Cần cố gắng hơn nữa” là cố gắng về tất cả mọi mặt hay là một mặt nào đó?

Nói chung, 80 phần trăm giáo viên có cùng lời phê cho tất cả học sinh. Mỗi học sinh là một, là riêng em đó. Để thấy, giáo viên chủ nhiệm quá sơ sài khi nhận xét quá trình rèn luyện của học sinh suốt một năm học. Điểm số, học lực chỉ cho thấy một phần kết quả của các em. Hạnh kiểm chỉ cho thấy “khả năng làm theo” của các em, như, không vắng học, biết vâng lời, mặc đúng đồng phục, tôn trọng thầy cô giáo… còn tính cách của các em, khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, khả năng ham học của các em học lực lẫn hạnh kiểm đều không nói đủ.

Do đó, mới cần… lời nhận xét của giáo viên chủ nhiệm.

Nhưng đa phần giáo viên chủ nhiệm không biết điều đó.

Ban giám hiệu, có người cũng không biết điều đó. Họ chỉ đạo phê học bạ ngắn gọn các mặt: trí, đức, phong trào. Tức trí tuệ, đạo đức, hoạt động phong trào của học sinh. Chẳng phải trong kết quả học tập và đạo đức đã có gần như hết điều đó rồi sao. Nhận xét của giáo viên chủ nhiệm phải khác cơ, là quá trình. Ví dụ, học lực Giỏi. Thì giáo viên không phê học lực giỏi mà phê làm sao để em đạt kết quả đó. Là năng khiếu hay là nỗ lực, là ham tìm tòi học hỏi hay bị ba mẹ, thầy cô ép học thêm.

Ví dụ, tham gia tốt các phong trào là các em thích hoạt động hay bị ép mà các em vẫn làm tất cả những việc các em không thích làm. Đó mới là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm khi nhận xét về các em học sinh của mình.

Để lời phê đi cùng năm tháng...

Là học sinh, tôi yêu duy nhất lời phê của thầy chủ nhiệm năm lớp 12. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi bị phê bình vì “phê dài dòng, không theo đúng quy định, chỉ phê các mặt: Trí, đức, phong trào” của học sinh thôi.

Làm thế nào để lời phê của giáo viên chủ nhiệm đi cùng năm tháng với học sinh?

Thứ nhất, bỏ quy định dựa vào học lực để xếp loại hạnh kiểm. Ví dụ: Học lực giỏi, thì hạnh kiểm giỏi. Vì sao ư, nhà văn Võ Hồng nói đúng “Dựa vào học lực mà xếp loại hạnh kiểm cũng giống như học sinh lớp 10 thì đạo đức tốt hơn học sinh lớp 1”.

Thứ hai, các trường sắp xếp thời gian đủ cho giáo viên chủ nhiệm tâm huyết có thể thể hiện tâm huyết cả trong lời phê học bạ. Nên có ít nhất 2 ngày giáo viên chủ nhiệm hoàn thành sổ sách chủ nhiệm (học bạ, sổ điểm). Tránh họp tổ, họp hội đồng trong hoạch hướng dẫn lớp lao động… trong thời gian ấy.

Thứ ba, ban giám hiệu, giáo viên nên hiểu về “lời nhận xét của giáo viên chủ nhiệm” không phải chỉ là nhận xét kết quả, mà có ý nghĩa hơn là nhận xét quá trình. Làm thế nào em đạt kết quả đó? Nếu cố gắng hơn nữa em có thể đạt kết quả tốt hơn không? Em có năng khiếu gì?...

Chủ nhiệm là công việc vất vả nhưng thú vị. Thú vị nhất là sau khi tốt nghiệp, có thể học sinh không nhớ hết bài giảng của mình, nhưng các em hiểu, các em không cô đơn vì có người hiểu cả những điều các em không nói. Cần lắm, những lời phê học bạ đi cùng năm tháng…

Tác giả: Tiểu học Kim An, Phạm Thị Kim Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây