Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần sự đổi mới trong cách nhìn về giáo dục

Thứ ba - 21/11/2023 09:15
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần sự đổi mới trong cách nhìn về giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần sự đổi mới trong cách nhìn về giáo dục



GD&TĐ - Trong buổi tri ân nhà giáo chiều 17/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trải lòng về đổi mới giáo dục, nghề giáo và sự đồng hành của cơ quan báo chí.
 
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ đang công tác trong ngành Giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chiều 17/11, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức Chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ đang công tác trong ngành Giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Dự buổi gặp mặt, về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh.

4 đơn vị đồng tổ chức có ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; ông Lê Ngọc Quang, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Cùng dự buổi gặp mặt có lãnh đạo Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, của 4 cơ quan báo chí và hơn 30 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu.

Giáo dục, trường học và người thầy đang thay đổi

Gửi lời cảm ơn đến 4 cơ quan báo chí đã tổ chức một hoạt động hết sức ý nghĩa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Ngày 20-11 là dịp cả xã hội tri ân các nhà giáo, nhưng đây cũng là ngày để nói lời cảm ơn tới toàn xã hội, với đời, bởi đã đem đến một nghề nghiệp rất đặc biệt, vinh quang, cao quý; ngày để ngành Giáo dục cùng nhìn lại mình, cố gắng phấn đấu sao cho xứng đáng với tình cảm xã hội đã dành cho mình.

Theo Bộ trưởng, GD-ĐT đang trong chặng đường đổi mới - một cuộc cải cách sâu rộng hơn bất kỳ cuộc cải cách giáo dục nào đã từng diễn ra từ đầu thế kỷ 20 - với thay đổi cực kỳ sâu sắc, từ quan điểm, triết lý, cách tiếp cận theo hướng mới của một nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Đó là việc lớn, việc khó; mấy năm qua lại diễn ra đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 khiến cho sự khó nhọc, thách thức tăng lên nhiều lần.

Đối với nhiều quốc gia, đi qua dịch bệnh chỉ hy vọng giáo dục không tan vỡ, đừng đứt đoạn, lớp học được duy trì. Nhưng chúng ta không chỉ nỗ lực để giáo dục không bị đứt gãy mà còn thực hiện một cuộc đổi mới vô cùng lớn.

Bộ trưởng ghi nhận, trong công cuộc đổi mới ấy có sự cố gắng vượt bậc của hơn 1,6 triệu nhà giáo, những người đã miệt mài, nỗ lực để tạo ra được kết quả - dù còn có phần khiêm tốn - mà chúng ta đã được chứng kiến.

Nói đến việc đổi mới sâu sắc, toàn diện của giáo dục, Bộ trưởng muốn gửi gắm rằng: Trong khi nó quá lớn, quá mới thì nhiều người đang dùng kinh nghiệm cũ, trải nghiệm của mình đã qua, những gì mình đã được biết để nhìn nhận công cuộc đổi mới của ngành Giáo dục.

 

Lãnh đạo 4 cơ quan báo chí chúc mừng Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, trường học ngày nay không còn giống trường học của vài chục năm về trước; ranh giới trường học và cuộc đời không còn ngăn cách bởi 4 bức tường lớp học. Không gian số đã thay đổi trường học. Người thầy uyên bác, “biết 10, dạy 1” không còn đáp ứng được khi sự bùng nổ tri thức, gia tăng hiểu biết của nhân loại theo cấp số nhân. Người thầy đang chuyển sang vai trò của người tổ chức, người dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ học sinh để hình thành các năng lực, phẩm chất và kĩ năng.

Để học sinh có được phẩm chất, kĩ năng mới, nhà giáo phải hình thành cho mình những năng lực, kĩ năng mới. Nhà giáo đang dần trở thành một thế hệ nhà giáo được đổi mới, đi qua đổi mới và không còn như ngày hôm qua.

“Những nguyên lý bất biến của giáo dục không mất đi nhưng đang được đổi mới. Trường học đang đổi mới, nhà giáo đang đổi mới. Tôi mong báo chí hãy đổi mới cùng chúng tôi thêm nữa. Cần sự đổi mới trong cách nhìn về giáo dục, sự thấu hiểu với giáo dục sẽ sâu sắc hơn", Bộ trưởng bày tỏ và mong rằng, với sự đồng hành, đóng góp cho giáo dục những năm qua, báo chí sẽ thấu hiểu, đồng hành hơn nữa, thực sự trở thành “bà đỡ” cho sự đổi mới.

Báo chí cũng có chức năng giáo dục

Trước những trăn trở của một số thầy cô về vị thế nghề nghiệp, Bộ trưởng chia sẻ: Sự tôn nghiêm và cao quý của nhà giáo không phải tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Điều đó trước hết phụ thuộc vào chính nhà giáo chúng ta.

Bản chất nghề giáo vốn đã là tôn nghiêm, cao quý; nhưng đất nước đang thay đổi; kinh tế, xã hội đang chuyển đổi; các giá trị cũng đang điều chỉnh, nên nhà giáo hơn ai hết tự mình hãy làm những việc mình cần làm bằng bản lĩnh người trí thức, làm tròn trách nhiệm, dành đủ tình yêu cho học trò… Khi làm thật tốt việc của mình, dần sẽ có sự chia sẻ mới, niềm kiêu hãnh mới, vị thế mới.

“Nhưng tự chúng tôi còn chưa đủ. Hết sức cần các nhà báo chung tay lan tỏa sự ấm áp, tích cực, đúng đắn của trường học. Để làm sao mạch chính, điều tốt đẹp của giáo dục thành thông tin, cảm nhận, cảm xúc chiếm nhiều hơn nữa trong không gian thông tin, truyền thông. Vì ngành Giáo dục xứng đáng được chia sẻ như vậy”, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Cảm ơn báo chí thường chọn các chủ đề giúp xã hội hiểu nhiều hơn về cảnh ngộ, tấm gương vượt khó của nhà giáo, nhưng Bộ trưởng cũng mong đừng làm điều đó trở thành lối mòn, cảm giác nói đến giáo dục là liên tưởng đến khó khăn. Giáo dục rất đa sắc, nhiều cung bậc và mong các nhà báo nói thêm nhiều góc độ nữa của giáo dục.

Hay báo chí viết về tiêu cực, lạm thu, nhưng nếu không cẩn trọng sẽ làm cho trường học và môi trường cộng đồng trở nên xa cách, làm xói mòn trách nhiệm của xã hội với nhà trường, làm xa hơn khoảng cách nhà trường - xã hội…

“Mong trong các thông tin về giáo dục cố gắng đa chiều, đa dạng, nhưng cũng cần có tư tưởng nhất quán, vì báo chí cũng có chức năng giáo dục… Công cuộc đổi mới không thể tự mình ngành Giáo dục, triển khai việc này cần tất cả phụ huynh phải thay đổi, xã hội cũng phải thay đổi. Để phụ huynh, xã hội thay đổi, cần sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, các nhà báo”, Bộ trưởng chia sẻ.

Khẳng định vai trò và đóng góp của các nhà giáo, chia sẻ về kết quả cũng như khó khăn của ngành Giáo dục trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Những năm qua, 4 cơ quan báo chí gồm Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục, nỗ lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

“Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành cũng như của người thầy giáo, cô giáo; đồng thời là cầu nối, trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin trong xã hội”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Tác giả: Tiểu học Kim An, Phạm Thị Kim Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây