“Uống nước nhớ nguồn”, cũng như hàng nghìn câu ca dao, tục ngữ khác trong kho tàng văn hóa dân gian, đều thể hiện đạo lý “biết ơn”, “nhớ ơn” và “đền ơn” của người Việt Nam. Theo đó, mỗi người đều được giáo dục bài học này từ khi còn bé. Truyền thống này được duy trì, tiếp nối và truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đạo lý “biết ơn” đã trở thành nền tảng vững chắc trong truyền thống văn hóa, giáo dục của dân tộc ta. Khi văn hóa Nho gia du nhập vào Việt Nam, thể hiện qua chế độ học hành - khoa cử, truyền thống “biết ơn” ấy đã được chuyển hóa cho phù hợp với thực tế thời đại.
Trong mối tương quan vi mô giữa thầy và trò, mỗi người vẫn được giáo dục và chủ động phát huy tinh thần “biết ơn”, “nhớ ơn” và “đền ơn”. Như vậy, dù có hình tượng “thầy - trò” rất cụ thể, “tôn sư trọng đạo” chính là sự tiếp nối tinh tế của truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta từ trước tới nay.
Hầu hết cha mẹ ở xã hội hiện đại có đủ điều kiện giáo dưỡng con toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, không ít phụ huynh lại quá chú trọng vào việc làm sao để giáo dục nên những đứa trẻ thông minh, giỏi toàn diện mà quên mất rằng, trẻ cũng cần học cách biết ơn các thầy cô giáo.
Từ nghìn đời xưa, dân tộc ta đã có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và vai trò người thầy giáo trong việc phát triển nhân cách của trẻ. Điều này không chỉ cần thiết và quan trọng với xã hội xưa mà ngày nay, cũng là một trong những viên gạch đầu tiên của nền tảng về giáo dục nhân cách cho trẻ.
Chị Bùi Thị Hương (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị có hai con đang tuổi đi học. Những dịp lễ, Tết, chị cũng có tâm trạng chung như nhiều phụ huynh khác, đó là băn khoăn về việc nên tặng thầy cô dạy con món quà gì?
“Tôi thấy nhiều mẹ cẩn thận, tỉ mỉ lên danh sách tặng quà những thầy cô dạy môn chính. Con học THCS, mẹ sẽ lo tặng quà các thầy cô dạy Toán, Văn, tiếng Anh, thầy cô chủ nhiệm lớp. Con học tiểu học thì chỉ cần quà tặng cô chủ nhiệm lớp vì cô bao giờ cũng dạy Toán - tiếng Việt. Gia đình nào có điều kiện thì chọn quà xịn, chu đáo đến tận nhà cô tặng quà. Phụ huynh nào đơn giản hơn thì chuẩn bị sẵn hộp quà cho con mang đến lớp”, nữ phụ huynh chia sẻ. Song, chị Hương cho rằng, nhiều phụ huynh quên dạy con giá trị cốt lõi, đó là kính trọng, yêu quý thầy cô, thay vì chỉ “chăm chăm” chú tâm vào mua quà.
Do đó, dịp 20/11 vừa qua, chị Hương quyết định sẽ để các con tự chuẩn bị quà tặng cô. Song song đó, chị dạy các con về tầm quan trọng của việc tôn trọng, yêu quý thầy cô giáo. Nữ phụ huynh cũng gợi ý một số món quà mà trẻ có thể tặng thầy, cô. Kết quả là, con lớn học THCS của chị đã tặng cô một bông hồng đỏ thắm. Con bé học tiểu học đã tự tay vẽ một bức tranh cùng với bưu thiếp tặng cô.
Biết ơn là nền tảng của truyền thống tôn sư trọng đạo. Ảnh minh họa |
Chia sẻ về vấn đề này, giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc trẻ biết yêu quý, lắng nghe và lễ phép với thầy cô còn thể hiện một sự phát triển đúng đắn về nhận thức. Từ đó, góp phần nuôi dưỡng và hình thành những phẩm chất tốt đẹp khác. Do đó, giáo viên Mai Chi cho rằng, cha mẹ có thể áp dụng một số cách để dạy trẻ nuôi dưỡng tình yêu thương cũng như thể hiện tình cảm đối với thầy cô.
Trước hết, phụ huynh cần bắt đầu dạy trẻ về lòng biết ơn. Bởi, biết ơn là bài học đầu tiên và căn bản nhất cho mọi đứa trẻ. Đối với một đứa trẻ, biết ơn không chỉ là nền tảng của truyền thống tôn sư trọng đạo, mà còn là nhân tố cơ bản cho sự phát triển nhân cách ngày càng hoàn thiện. Cha mẹ có thể định hướng phát triển lòng biết ơn cho trẻ ngay từ những năm đầu đời, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Với trẻ mầm non, cha mẹ có thể dạy cho bé về lòng biết ơn thầy cô bằng cách nói cảm ơn giáo viên. Đồng thời, tạo cơ hội cho trẻ bày tỏ lòng biết ơn. Trò chyện với bé về những điều thầy cô đã làm cho bé và gợi ý trẻ bày tỏ lòng biết ơn bằng cách hỏi những câu hỏi như: “Con đã cám ơn cô chưa?” hoặc “Con có thích cô chơi với con không?”…
Một yếu tố quan trọng khác để nuôi dưỡng tình yêu thương ở trẻ đối với thầy cô là dạy bé chào hỏi và thưa gửi. Cụ thể, chào thầy cô giáo là một thói quen tốt giúp trẻ tôn trọng việc học tập của chính mình. Khi đến lớp, cha mẹ hãy yêu cầu bé chào thầy cô giáo. Khi ra về, phụ huynh cần nhắc trẻ: “Con chào cô chưa?”. Việc nhẹ nhàng nhắc nhở bé có thể giúp trẻ hình thành thói quen chào hỏi và thưa gửi một cách lễ phép. Khi đã quen, trẻ sẽ tự giác chào hỏi thầy cô. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp trẻ biết yêu quý, kính trọng thầy cô hơn.
Việc trẻ biết yêu quý, lắng nghe và lễ phép với thầy cô còn thể hiện một sự phát triển đúng đắn về nhận thức. Ảnh minh họa |
“Một cách khác để dạy bé hình thành thói quen chào hỏi chủ động hơn, đó là thay vì nhắc con “Con chào cô đi”, mẹ sẽ chào bằng tên của con: “Bé Nam chào cô ạ!”. Khi về nhà, mẹ sẽ cùng bé chơi trò đóng vai. Quy ước rằng, cách chào cúi đầu, khoanh tay là cách chào “yêu quý” với người lớn. Trong khi đó, cách cười tươi, đưa bàn tay bé xíu lên vẫy vẫy là cách chào “dễ thương” với bạn bè. Sau đó, khi gặp thầy cô, mẹ có thể thì thầm với bé “Chào cô bằng cách nào con nhỉ?”, các bé sẽ rất sẽ tự hào chào hỏi lễ phép với thầy cô giáo”, giáo viên Mai Chi gợi ý.
Đặc biệt, trong trường hợp trẻ có hành vi không đúng mực, cha mẹ cần thể hiện thái độ nghiêm khắc. Điều quan trọng là không bao giờ bỏ qua những câu nói không đúng của bé dù với bất kỳ người lớn nào. Mỗi khi thấy trẻ phạm lỗi ấy, phụ huynh nhất định phải rất nghiêm túc, cứng rắn nói chuyện với trẻ. Đồng thời, dạy cho con biết thái độ đó đáng trách như thế nào. Ví dụ, khi bé gọi thầy cô bằng những danh từ không đúng, mẹ cần nghiêm khắc sửa lại.
Phụ huynh không nên chỉ nói với con là: “Không được nói như vậy!”. Thay vào đó, cần phân tích cho bé hiểu tại sao thái độ đó lại không tốt. Trẻ em đôi khi nói những từ mà mình không hiểu rõ, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân trước nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề.
“Khi trẻ tái phạm, cha mẹ hãy nhắc nhở con thật nghiêm khắc. Nếu thấy cần thiết, hãy đề ra một số hình phạt cho trẻ. Đồng thời, hãy kể cho con nghe nhiều những câu chuyện về thầy cô, cũng như thái độ ứng xử đúng mực trẻ cần có đối với giáo viên. Phụ huynh nên nhớ là, không nên nói một cách khô khan, giáo điều. Thay vào đó, hãy tìm cách thể hiện thật xúc động đủ sức để trẻ có thể nhận ra lỗi của mình”, nữ giáo viên cho biết.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là cha mẹ cần làm gương cho trẻ. Bởi, thực tế, trẻ em thường có xu hướng bắt chước hành động và lời nói của những người thân trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ là những tấm gương tuyệt vời để bé noi theo. Nếu cha mẹ thường xuyên bày tỏ sự yêu mến và biết ơn với thầy cô giáo của mình và của con, điều đó sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến lòng biết ơn của trẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tuyệt đối không bao giờ nói những điều không tốt đẹp về thầy cô trước mặt con. Cha mẹ nên thể hiện cho trẻ thấy sự tôn trọng của mình đối với thầy cô. Nếu từ bé, trẻ đã được nghe những câu nói không tốt về thầy cô thì việc bé bắt chước theo cha mẹ không phải là điều khó hiểu. Cha mẹ cần tránh nói về những tiêu cực giáo dục trước mặt con trẻ. Tuy trẻ chưa thể hiểu hết, nhưng những điều cha mẹ nói có thể ảnh hưởng rất lớn tới thái độ của bé.
“Giúp trẻ hình thành sự lễ phép, lòng kính yêu, tôn trọng thầy cô là một việc làm đáng khích lệ. Không phải cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, phụ huynh và trẻ mới thể hiện điều đó. Thực tế, truyền thống “tôn sư trọng đạo” cần là biểu hiện chân thành theo mỗi đứa trẻ đến suốt cuộc đời”, giáo viên Mai Chi nhấn mạnh.
Tác giả: Tiểu học Kim An, Phạm Thị Kim Liên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn