Giáo dục STEM giúp học sinh tiểu học phát triển phẩm chất và năng lực. Ảnh minh họa |
Hiệu quả và thách thức
STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Trường Tiểu học Sa Pa (thị xã Sa Pa, Lào Cai) là một trong những trường triển khai thí điểm giáo dục STEM tiểu học của tỉnh Lào Cai. Nhiều điểm tích cực được thầy Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng nhà trường ghi nhận.
“Giáo dục STEM giúp tư duy của học sinh sáng tạo, có thể chủ động kết nối từ kiến thức sang thực hành. Các hoạt động trải nghiệm được tổ chức trong các môn học hoặc thông qua hình thức câu lạc bộ/hoạt động trải nghiệm thực tế. Nhà trường có thể linh hoạt tổ chức không gian trải nghiệm STEM trong trường học để học sinh tìm hiểu, khám phá thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đời sống…” – thầy Chính cho biết.
Tuy nhiên, theo thầy Dương Xuân Chính, nhà trường gặp một số khó khăn khi triển khai đó là đội ngũ giáo viên chưa thực sự vững vàng về chuyên môn bởi mới làm quen nên hiệu quả chưa cao. Về cơ sở vật chất, trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phòng học, thí nghiệm trong không gian rộng. Khi triển khai giáo dục, các sản phẩm do học sinh làm ra không những trưng bày trong lớp học mà cần có phòng trưng bày riêng…
Ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) chia sẻ, tại Bắc Giang giáo dục STEM được triển khai mang tính tự phát ở một số trường tiểu học. Những hoạt động, trải nghiệm, thực hành… liên quan vẫn còn nhỏ lẻ, theo buổi, theo ngày chứ chưa thường xuyên, liên tục, bài bản. Tuy vậy, không thể phủ nhận học sinh khá hào hứng, chủ động sáng tạo hơn trong vận dụng lý thuyết vào thực hành. Nhiều hoạt động trải nghiệm ứng dụng STEM giúp học sinh có cách học mới, hiệu quả, phát huy được phẩm chất và năng lực.
Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) triển khai giáo dục STEM từ năm học trước trong một số môn học và với thời lượng mỗi tuần/tiết. Cùng đó, trường tổ chức một số cuộc thi, trải nghiệm định kỳ... được học sinh đón nhận, thích nghi nhanh, hứng thú, không chỉ học kiến thức trên lý thuyết mà còn được thực hành…
“Tuy hiệu quả song việc triển khai còn những khó khăn nhất định về cả nhân lực và nguồn lực. Ví như với tiếng Anh STEM, trường vẫn phụ thuộc vào thiết bị đồ dùng dạy học của đơn vị liên kết thực hiện. STEM cũng yêu cầu triển khai trong không gian rộng, có phòng học và thực hành với quy chuẩn riêng mà trường lại chưa đáp ứng được. Về phía đội ngũ giáo viên, do đang ở giai đoạn đầu triển khai, làm quen nên chuyên môn còn bất cập, đòi hỏi phải được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên...”, cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Để giáo dục STEM trong trường tiểu học phát triển cần sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Ảnh minh họa |
Thực tế triển khai giáo dục STEM tiểu học cũng ghi nhận những khó khăn chung như: Sĩ số mỗi lớp học quá đông gây cản trở việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Mặt khác, do chưa có “chương trình chuẩn hóa” nên giáo viên khó khăn trong việc tổ chức các nội dung, chủ đề sao cho vừa đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông vừa vận dụng được giáo dục STEM.
Từ thực tế Trường Tiểu học Sa Pa, thầy Dương Xuân Chính đề xuất: Cần có chương trình, hướng dẫn cụ thể để giáo viên không khó khăn trong việc tổ chức các nội dung, chủ đề sao cho phù hợp nhất và đảm bảo yêu cầu chương trình. “Hiện nay chưa có công văn hướng dẫn triển khai giáo dục STEM và tổ chức, quản lý hoạt động ở cấp tiểu học. Cần sớm bổ sung bởi nếu chỉ chú trọng khâu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên… thì chưa đủ”, thầy Chính trao đổi.
Ông Hà Huy Giáp cũng cho rằng, để triển khai giáo dục STEM tiểu học ở Bắc Giang cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để huy động nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phù hợp. Địa phương cần chủ động trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khi triển khai bởi vấn đề xã hội hóa ở một số nơi không hề dễ dàng.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái lại bày tỏ quan điểm: Khi chưa có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ hiện đại, giáo viên có thể bắt đầu từ việc sử dụng các thiết bị có trong danh mục dạy học theo quy định và vận dụng công nghệ đơn giản. Bởi đích đến quan trọng nhất của giáo dục STEM là nâng cao hứng thú và phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Mặt khác triển khai STEM trong các nhà trường cũng cần thí điểm với những mô hình nhỏ mang tính câu lạc bộ, nhóm… Nếu thành công mới triển khai diện rộng để phát huy được kinh nghiệm đúc rút từ thực tế.
Theo đánh giá của một số nhà quản lý giáo dục, trình độ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu khi triển khai hoạt động giáo dục STEM là một thách thức lớn. Giáo viên tốt nghiệp sư phạm ít được tiếp cận về giáo dục STEM, chủ yếu tập trung giảng dạy các môn học Toán và Tiếng Việt. Giáo viên còn ngại học hỏi, ngại chia sẻ với đồng nghiệp, nên chưa có sự trao đổi, liên hệ tốt giữa giáo viên các bộ môn trong việc triển khai các hoạt động giáo dục STEM…
Tác giả: Tiểu học Kim An, Phạm Thị Kim Liên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn