Đồng lòng thực hiện giáo dục STEM cho học sinh Tiểu học

Thứ tư - 10/01/2024 15:58
Đồng lòng thực hiện giáo dục STEM cho học sinh Tiểu học
Đồng lòng thực hiện giáo dục STEM cho học sinh Tiểu học

Đồng lòng thực hiện giáo dục STEM cho học sinh Tiểu học


 - Để triển khai hiệu quả giáo dục STEM tại trường học không thể thiếu sự đồng hành, hỗ trợ từ phụ huynh, xã hội.
Cô trò Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Cần Thơ) cùng thực hiện các sản phẩm trong bài học STEM.
Cô trò Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Cần Thơ) cùng thực hiện các sản phẩm trong bài học STEM.

Duy trì đổi mới từ đội ngũ

Để đạt được hiệu quả trong triển khai giáo dục STEM, nhà trường và giáo viên cần duy trì và phát triển các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM trong trường học. Điều này bao gồm việc xác định và phát triển chủ đề STEM, nắm vững nội dung chương trình và đảm bảo sự liên tục trong triển khai.

Từ quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, giáo viên lớp 2, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), cho rằng, giáo viên, những người trực tiếp đứng lớp, đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thành công giáo dục STEM.

“Thông qua việc xác định các chủ đề liên môn và đưa chúng vào mỗi bài học, hoạt động dạy học kết nối kiến thức học đường gắn với thực tế cuộc sống, từ đó giúp học sinh giải quyết các vấn đề thực tế, khuyến khích phát triển năng lực và phẩm chất của mình”, cô Xuân chia sẻ.

Theo cô Xuân, để đạt được những yêu cầu trên, giáo viên cần đổi mới phương pháp kiểm tra và đánh giá. Học sinh được tham gia vào tình huống trong cuộc sống, được yêu cầu giải quyết vấn đề liên quan đến bối cảnh thực tế bằng kiến thức liên môn cộng với hiểu biết xã hội. Kết quả là học sinh sẽ tạo ra sản phẩm thông qua sự tìm tòi, nghiên cứu cụ thể và đây chính là cơ sở để đánh giá người học.

Năm học 2022 - 2023, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có 13 trường tiểu học với 10.861 học sinh/292 lớp. 100% học sinh tiểu học của quận được học 2 buổi/ngày, trong đó có 67,67% trò học bán trú. Quận được sở lựa chọn triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học tại trường (Tiểu học An Thới 2, Tiểu học Bình Thủy).

Sau một năm thí điểm tại Trường Tiểu học Bình Thủy (TP Cần Thơ), cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Nhung cho rằng, để triển khai hiệu quả giáo dục STEM, cán bộ quản lý cần tiếp tục duy trì hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường và đảm bảo sự liên tục.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận và ủng hộ từ phía phụ huynh. Việc thông tin rõ ràng và giải thích về lợi ích của giáo dục STEM sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn và ủng hộ các hoạt động giáo dục này. Đồng thời nhà trường cần tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo sâu hơn về giáo dục STEM.

Bà Ngô Thúy Anh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp), khẳng định, giáo dục STEM có thể triển khai trong các cơ sở giáo dục từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn, tùy thuộc vào điều kiện thực tế để áp dụng phù hợp.

Điều quan trọng là cán bộ quản lý và giáo viên phải được tập huấn bài bản và nhận thức rằng giáo dục STEM là phương pháp dạy học mới. Thông qua hoạt động trải nghiệm có mục đích để học sinh đạt yêu cầu cần đạt của bài học một cách tối ưu, trong khi vẫn mang lại sự nhẹ nhàng, vui tươi, khai thác tối đa suy nghĩ và sáng tạo của học sinh.

“Triển khai STEM tại địa phương không khó nhưng cũng không dễ dàng. Để đạt hiệu quả trong việc triển khai STEM đòi hỏi sự tham gia của các cấp quản lý giáo dục, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao từ đội ngũ cán bộ chủ chốt, giáo viên và học sinh. Đồng thời cần một khoảng thời gian nhất định để cơ sở giáo dục tăng cường cơ sở vật chất và tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai”, bà Thúy Anh nhận định.

Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp tổ chức giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy STEM.

Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp tổ chức giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy STEM.

Ủng hộ từ phụ huynh

Một trong những yếu tố góp phần thành công trong việc triển khai giáo dục STEM là công tác tuyên truyền và thông tin đến phụ huynh về ý nghĩa và lợi ích của phương pháp này. Điều này tạo sự đồng thuận và ủng hộ từ phía phụ huynh, đồng thời gắn kết sự hỗ trợ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong quá trình học STEM.

Khi áp dụng phương pháp mới, chương trình mới… không chỉ áp lực về nội dung mà thầy cô còn đối diện với đòi hỏi lớn từ phụ huynh. Cô Phạm Thị Minh Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Cần Thơ, kể: Ban đầu, nhiều phụ huynh chưa thể hình dung hoặc hiểu rõ về thí điểm giáo dục STEM nên bước đầu triển khai tương đối khó khăn.

Tuy nhiên, thông qua trao đổi, chia sẻ và minh họa những gì trẻ đã làm tại lớp, phụ huynh dần hiểu và dành thời gian hỗ trợ. “Ban đầu chỉ có vài phụ huynh tham gia cùng. Nhưng nhờ chia sẻ các sản phẩm mà phụ huynh đã hỗ trợ con làm tại nhà, sự khuyến khích từ các con và giáo viên đã động viên các phụ huynh khác cùng tham gia. Đến nay, 100% phụ huynh không chỉ ủng hộ về tinh thần, mà còn đem các vật liệu từ hộp giấy, chai nhựa, giấy màu đến dụng cụ cắt, dán… để hỗ trợ con hoàn thành các sản phẩm của “bài học STEM””, cô Hải cho hay.

Tại Trường Tiểu học Mỹ An 2, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), thầy Hiệu trưởng Phạm Chí Công cũng ghi nhận sự tín nhiệm và ủng hộ từ phụ huynh học sinh. Điều này do trẻ đã tích cực, sáng tạo và tham gia vào nhiều hoạt động trải nghiệm và sáng tạo.

Trong quá trình đánh giá học sinh, nhà trường đã chủ động linh hoạt và sáng tạo hơn, đặc biệt chú trọng đánh giá năng lực và tính sáng tạo của học sinh, tôn trọng nét riêng và sự sáng tạo của các em. “Chúng tôi thực hiện dạy học tích hợp liên môn và lồng ghép nhiều hoạt động sáng tạo, từ đó triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới một cách nhẹ nhàng và hiệu quả”, thầy Công chia sẻ thêm.

Năm học 2022 - 2023, tỉnh Đồng Tháp có 10 trường học ở 5 huyện/thành phố tham gia thí điểm giáo dục STEM, với hơn 9.000 học sinh và gần 1.000 cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về giáo dục STEM.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh: Năm đầu tiên thí điểm cũng gặp một số khó khăn nhưng nhờ cha mẹ học sinh và cộng đồng quan tâm, đồng tình, tích cực tham gia hoạt động cùng với giáo viên, học sinh nên rào cản ban đầu nhanh chóng được xóa bỏ. Điều này cho thấy sự hiểu biết và quan tâm của cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục STEM trong việc phát triển năng lực và kỹ năng cho học sinh.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân có con học lớp 2 và lớp 5 tại Trường Lê Văn Tám, TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), chia sẻ: “Khi nhìn thấy sản phẩm con trẻ tạo ra và nhận thấy sự cải thiện từ kết quả học tập đến các kỹ năng của con, tôi đã ủng hộ và tham gia vào các hoạt động ở lớp. Việc hỗ trợ các dụng cụ và vật liệu tái chế không chỉ giúp con hoàn thành các nhiệm vụ, mà còn khuyến khích sự sáng tạo và phát triển tư duy”

Tác giả: Tiểu học Kim An, Phạm Thị Kim Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây