27 tuổi, cô Nguyễn Thị Mai Hương - giáo viên môn Ngữ văn, Trung tâm Trí Tuệ (Quận 12, TPHCM) thường xuyên rơi vào tình trạng khô mắt, mỏi mắt. Cô Hương phải đeo kính liên tục.
“Trừ những buổi đứng lớp, thời gian còn lại tôi chấm bài và nghiên cứu tài liệu. Tôi thường thức khuya để chuẩn bị giáo án giấy và giáo án điện tử”, cô Hương kể.
Thời gian gần đây, cô Hương thường xuyên chảy nước mắt, khô mắt. Sau kiểm tra y tế, hai mắt của nữ giáo viên đều bị giảm thị lực. Vì đó, nữ giáo viên buộc phải thay đổi lịch sinh hoạt, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, nhỏ mắt và uống thuốc kèm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt.
Liên quan đến vấn đề này, BS.CKI Trần Thị Thúy Ngân, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông (TPHCM) cho biết, giáo viên thường làm việc ở môi trường có tiếp xúc nhiều bụi phấn, dành nhiều thời gian đọc sách, soạn giáo án, chấm sửa bài cho học sinh, cường độ làm việc cao và thường xuyên sẽ dẫn đến hiện tượng khô mắt, mỏi mắt có thể diễn ra mỗi ngày.
Bên cạnh đó, việc giáo viên soạn các bài giảng trên các thiết bị điện tử cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến mắt, gây các bệnh lý về mắt nặng hơn.
Theo bác sĩ Ngân, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình điện tử sẽ gây ra hiện tượng thoái hóa điểm vàng - bệnh lý gây mù lòa hàng đầu hiện nay. Ánh sáng xanh đi vào mắt sẽ phá hủy các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc, dẫn đến thoái hóa võng mạc, thoái hóa điểm vàng. Người bệnh sẽ gặp phải những vấn đề về nhìn mờ, nhìn méo mó, biến dạng, mất thị lực trung tâm và dẫn đến mù lòa.
Đối với nghề giáo, việc điều tiết mắt nhiều sẽ gây hội chứng khô mắt, biểu hiện của khô mắt là bệnh nhân cảm thấy đau, chảy nước mắt, mắt nhòe đi. Những dấu hiện này xuất hiện do năng lượng cao từ ánh sáng xanh làm cho nước bốc hơi, khiến phần giác mạc không được cung cấp đủ độ ẩm.
“Ngoài ra, khi giáo viên tập trung nhìn vào màn hình điện thoại, màn hình máy tính, tần số chớp mắt ít… sẽ làm mắt khô nhiều hơn, xuất hiện cảm giác mắt bị cộm, nóng rát. Điều này có thể gây ra nhức mắt, nhức đầu”, bác sĩ Ngân cho hay.
Cũng theo chuyên gia y tế, đối với giáo viên sử dụng các thiết bị điện tử nhiều, nhất là vào ban đêm, sinh hoạt không điều độ sẽ gây nên tình trạng rối loạn giấc ngủ. Thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải.
Đây cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy quá trình lão hóa của mắt nói riêng và cơ thể nói chung. Giáo viên ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc các bệnh lý về mắt. Điều này tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc với các tác nhân gây hại cho mắt.
“Ở giáo viên trẻ thì sẽ xuất hiện các bệnh lý như: Cận thị, loạn thị, nhức mắt. Thông thường, đối với những giáo viên này nếu không sử dụng kính sẽ rất khó để làm việc. Ở giáo viên lớn tuổi, các bệnh lý nền xuất hiện như tiểu đường, huyết áp thì bệnh lý về mắt sẽ thể hiện rõ hơn như: Đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, bệnh lý võng mạc hoặc bệnh cườm nước”, bác sĩ Ngân thông tin.
BS.CKII Lê Thị Kim Chi thăm khám cho một giáo viên có bệnh lý về mắt. |
Để bảo vệ mắt trước các tác nhân gây hại, các chuyên gia y tế cho rằng, mỗi giáo viên cần tạo thói quen giữ vệ sinh tay, mắt thường xuyên; không sử dụng tay dụi lên mắt khi có bụi phấn.
Trong môi trường sinh hoạt tại lớp, vật dụng cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, sử dụng khăn ướt để lau, tránh bụi phấn bay lên. Có thể nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm cảm giác khô mắt, thực hiện rửa mắt bằng nước muối trước khi đi làm và sau khi về nhà.
Theo chuyên gia y tế, để hạn chế tình trạng khô, chảy nước mắt, nhìn mờ, nhìn thấy hình đôi, đau đầu, cổ vai và lưng, mắt nhạy cảm với ánh sáng, mất tập trung… mỗi giáo viên có thể áp dụng quy tắc 20-20-20. Cụ thể, mỗi 20 phút tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính, nên dừng lại và nhìn ra một điểm cách xa khoảng 20 feet (tương đương 6,1 mét) trong vòng 20 giây.
“20 giây là thời gian ít nhất để mắt được nghỉ ngơi hoàn toàn. Trong 20 giây đó, bạn có thể tranh thủ uống nước. Vì khi cơ thể được cung cấp nước đầy đủ sẽ giúp mắt đỡ khô hơn”, bác sĩ Ngân lưu ý.
BS.CKII Lê Thị Kim Chi, Phó Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM cho rằng, việc bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng cho mắt, đầy đủ các thành phần, đạm, đường, chất béo, vitamin khoáng chất là rất cần thiết. Song song đó, có thể tập các bài massage mắt nhẹ nhàng, thư giãn mắt, xoay mắt, tập định thị một vị trí để giữ cho sự điều tiết mắt được tốt.
Theo bác sĩ Chi, để giảm các triệu chứng mỏi mắt, khô mắt do điều tiết và sử dụng các thiết bị điện tử, tiếp xúc ánh sáng xanh nhiều, giáo viên cần điều chỉnh lại các sinh hoạt phù hợp. Có thể sử dụng thêm các thuốc bổ sung cho mắt, một số vitamin khoáng chất theo chỉ dẫn của bác sĩ.
“Cần chớp mắt nhiều để có nước mắt, tránh tình trạng mắt khô; sử dụng thêm nước mắt nhân tạo theo hướng dẫn của bác sĩ có đi kèm theo thuốc khi tình trạng khô mắt kéo dài.
Nếu không có các tật khúc xạ về mắt mà vẫn xuất hiện tình trạng mỏi mắt thì chỉ cần điều chỉnh sinh hoạt cho hợp lý, ăn uống đầy đủ, thăm khám định kỳ. Khi giáo viên có những vấn đề đau nhức, đỏ mắt, kèm theo nhức đầu, nhìn mờ, hình ảnh méo mó cần đến những cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Chi nhấn mạnh.
Theo chuyên gia y tế, để giảm bớt tình trạng mắc các bệnh nghề nghiệp, giáo viên cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng đứng lớp, sinh hoạt khoa học, điều độ và có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân trong môi trường sư phạm.
Tác giả: Tiểu học Kim An, Lê Chính
Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn