Bên cạnh đó, phụ huynh cần khen ngợi trẻ trước những hành động chia sẻ trong cuộc sống hằng ngày.
Nhiều cha mẹ hiện nay chỉ chú trọng vào việc phát triển trí tuệ, thể chất cho con mà quên đi điều đặc biệt nhất họ cần làm. Đó chính là dạy con về đạo đức. Trong đó việc làm từ thiện mà các con tham gia chính là những yếu tố cấu thành ý thức trách nhiệm cho trẻ trong thời đại 4.0.
Yếu tố vô tình bị lãng quên
Lẽ thường tình, làm cha mẹ, ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con cái mình. Mong con đạt thành tích cao trong học tập, có được thành công trong tương lai và sống một đời hạnh phúc. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn kỳ vọng ở trẻ hơn thế nữa. Nhưng ít ai ngờ rằng, thật ra việc để trẻ lớn lên, trở thành một người tốt bụng, chân thật và tử tế mới là quan trọng và có ý nghĩa hơn cả.
Có câu rằng “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Thật vậy, những tấm lòng lương thiện được coi như “liều thuốc quý cho những cơn bệnh độc” trong xã hội ngày nay.
Một nghiên cứu vào năm 2007 của Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo (Center for Creative Leadership) tại Mỹ cho thấy, bên cạnh tài năng, sự tử tế, thì lòng cảm thông dành cho người khác chính là yếu tố quan trọng đối với thành công của các nhà lãnh đạo.
Thế nhưng từ bao giờ, chúng ta đã dần xem nhẹ và thậm chí quên mất việc nuôi dưỡng những đức tính nhân văn cơ bản này cho trẻ.
Không ít ông bố bà mẹ thường bày tỏ niềm tự hào khi chứng kiến con đạt điểm cao, hay thi đỗ vào ngôi trường danh tiếng. Họ thường “kiêu hãnh” và “mách” nhau những địa điểm ôn thi uy tín, lớp học thêm chất lượng. Tuy nhiên, chủ đề dạy con làm việc thiện dường như hiếm khi xuất hiện trong những cuộc hội thoại của các phụ huynh.
Phần lớn các cha mẹ hiện nay chỉ chú trọng vào việc phát triển trí tuệ, thể chất cho con mà quên đi điều đặc biệt nhất họ cần làm. Đó chính là dạy con về đạo đức. Bởi, khi còn nhỏ, trẻ rất dễ tiếp thu kiến thức, nhất là những điều hay lẽ phải. Có ý thức về đạo đức, trẻ mới có thể lĩnh hội các kiến thức khác và trở thành một người có ích cho gia đình, xã hội.
Người xưa quan niệm, muốn thành tài, trước hết, trẻ phải có đức tốt. Cha mẹ nên dành nhiều công sức để giáo dục và hướng con về điều thiện. Chữ "thiện" sẽ dạy trẻ trở thành một người vị tha, tự vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, con cũng sẽ biết sẻ chia với mọi người xung quanh.Cơ hội giáo dục
“Giữa trưa, màn hình điện thoại của tôi bật sáng bởi cuộc gọi của cô bạn thân. “Bà biết chỗ nào bán truyện tranh thiếu nhi mà là truyện cũ không? Tôi đi tìm khắp thành phố 2 ngày nay rồi mà vẫn không thấy”- giọng người mẹ trẻ có phần hớt hải.
Sau khi chỉ một số địa điểm, tôi thắc mắc vì sao phải tìm truyện tranh cũ và phải gấp gáp như vậy thì ngạc nhiên khi nghe câu trả lời: “Tôi mua cho con gái đem lên trường ủng hộ. Ngày mai hết hạn nộp rồi”.
Câu chuyện trên của chị Thanh Tâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tưởng chừng rất đơn giản. Nhưng, chắc hẳn, không ít ông bố bà mẹ nhìn thấy mình trong những lời chia sẻ này. Liệu, có mấy phụ huynh nào khẳng định chưa từng vội vàng tìm đồ để con làm từ thiện cho đúng hạn? Liệu, có mấy phụ huynh nào giải thích cho con về ý nghĩa của việc làm từ thiện?
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định:
“Cha mẹ cần nhận thức rằng, những hoạt động từ thiện, ủng hộ người nghèo là cơ hội để chúng ta giáo dục con về các giá trị yêu thương, chia sẻ, hy sinh, giúp đỡ người khác. Nó là phẩm chất vô cùng quan trọng của một công dân toàn cầu trong tương lai. Vì vậy, nhìn chung, người lớn cần chú ý và tổ chức làm sao để các em sớm trải nghiệm được những cảm xúc tích cực khi tham gia các hoạt động này”.
Chuyên gia gợi ý, phụ huynh hãy để con được tự làm. Ngoài ra, cha mẹ hãy là người hướng con chú ý đến những cảm xúc tích cực, tự hào, hạnh phúc. Thậm chí, khi làm một việc tốt, có ý nghĩa, con sẽ cảm thấy mình tràn đầy năng lượng.
Anh Trần Nguyên (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, hằng năm, trường của con anh thường tổ chức hội chợ nhằm gây quỹ ủng hộ người nghèo. Tuy nhiên, từ việc lên ý tưởng bán gì trong hội chợ, ai thu tiền, dựng quầy, trang trí đều là của phụ huynh. Hầu hết học sinh chỉ việc cầm tiền cha mẹ cho để đi mua đồ ăn, đồ uống và... vô tư xả rác ngập sân trường.
“Có lẽ nên định nghĩa lại “hội chợ” là “ngày hội ăn vặt” thì đúng hơn, khi kết thúc hội chợ với cơ man nào là rác, ly nhựa, ống hút, túi nilông trắng sân trường. Các con học được gì từ những hội chợ như thế này?”, nam phụ huynh bày tỏ.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cha mẹ có thể giúp con hiểu rằng, dù hành động từ thiện của trẻ là “nhỏ”, nhưng ý nghĩa đằng sau vô cùng lớn. Phụ huynh nên bắt đầu bằng việc chú ý và ủng hộ những hành vi giúp đỡ của con, khen bằng lời và hướng dẫn hoặc tạo điều kiện để con làm.
“Ví dụ, nếu con về báo với mẹ rằng, cả lớp sẽ chuẩn bị làm vừng lạc và ruốc để gửi vào cho các bạn miền Trung, cha mẹ cần thể hiện sự hào hứng và quan tâm. Hãy hỏi xem có thể giúp con mua - bán, chuẩn bị thứ gì. Thể hiện sự sẵn sàng hướng dẫn và hỗ trợ khi con cần. Hỏi về những cảm xúc của con khi trẻ cùng các bạn thực hiện. Như vậy, đứa trẻ sẽ chú ý vào những cảm xúc tích cực khi tham gia các hoạt động thiện nguyện”, chuyên gia cho hay.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể chia sẻ và nói chuyện với con về niềm vui của người dân ở vùng thiên tai khi nhận được quà ủng hộ. Và, điều quan trọng khác là, cha mẹ đã tự hào về con của mình ra sao khi trẻ biết quan tâm và chia sẻ với người khác.
Không phải “cuộc đua về thể diện”
Chị Hoàng Anh - thành viên ban phụ huynh tại lớp của con (Ba Đình, Hà Nội), tâm sự: “Mỗi khi lớp có sự kiện gì dù lớn hay nhỏ, cha mẹ là những người lên kế hoạch chuẩn bị, từ mua đồ dùng, tới trang trí. Việc làm từ thiện của các con cũng không ngoại lệ. Nếu lớp có kế hoạch thăm và tặng quà các cụ già khó khăn, ban phụ huynh chúng tôi sẽ bàn bạc về những món đồ cần mua, phương tiện đi lại...”.
Trong khi đó, anh Trần Nguyên nhận định, một chuyến đi từ thiện sẽ thành công hơn nếu con tự quyên góp từ tiền tiêu vặt của mình. Hoặc, nếu trước đó con được khảo sát xem các cụ thiếu gì.
“Biết đâu cái các cụ cần không phải là đồng quà, tấm bánh, mà đơn giản chỉ là có người để nói chuyện cho vơi bớt nỗi buồn?”, nam phụ huynh này nói.
Bởi vậy, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, chúng ta không nên biến các hoạt động từ thiện thành “cuộc đua về thể diện”.
“Đừng biến hoạt động từ thiện của con trở thành một cách gây chú ý hoặc phải làm theo phong trào, nếu không sẽ bị “nhận xét”. Để làm được việc này, cha mẹ không chỉ yêu cầu con làm từ thiện khi có cuộc vận động. Trong cuộc sống hằng ngày, hãy chú ý và khen ngợi con về những hành động chia sẻ, cũng như đặt quyền lợi của người khác lên trên”, PGS Nam gợi ý.
Cụ thể, cha mẹ có thể khuyến khích con chia sẻ đồ chơi với người khác, giúp đỡ mang đồ cho phụ huynh, hay chỉ đơn giản là dắt em nhỏ qua đường... Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần biết rằng, cách khen thưởng con tốt nhất không phải bằng vật chất.
Thay vào đó, phụ huynh hãy tạo điều kiện để những hành động tốt của các con được nhiều người biết đến hơn. Ví dụ, cha mẹ có thể kể lại hành động đẹp của con cho cả gia đình nghe. Chuyên gia này cho biết, thực tế đã chứng minh, nếu dùng quá nhiều phần thưởng vật chất để đáp lại lòng tốt của trẻ, hành vi giúp đỡ người khác của con sẽ giảm trong tương lai.
Bên cạnh đó, để con có thể cho đi một cách tự nguyện, thay vì làm “cho xong”, cha mẹ được khuyến khích hãy dạy con về lòng biết ơn.
“Ví dụ, để khuyến khích con tự nguyện tiết kiệm hoặc chia sẻ đồ ăn, có thể kể hoặc để trẻ xem các bạn nhỏ ở châu Phi chịu nạn đói. Từ đó, dạy con biết ơn vì mình vẫn có đủ thức ăn hằng ngày. Cha mẹ cũng có thể nói chuyện với con về những người bạn đồng trang lứa ở miền Trung - những người đã mất hết nhà cửa, đồ đạc, không được đến trường. Từ đó, giúp con cảm thông và biết ơn vì mình vẫn đang được đến trường, có cha mẹ chăm lo và có mái nhà che mưa che nắng”, PGS Nam cho biết.
Chuyên gia này nhấn mạnh, những đứa trẻ biết ơn như vậy sẽ thường cảm thông với các số phận và hào phóng tự nguyện cho đi. Để như vậy, cha mẹ cần rèn cho con sự thấu cảm và lòng trắc ẩn với thế giới xung quanh từ những hành động chăm sóc cây cối, con vật, các thành viên trong gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Nhờ đó, con sẽ hình thành những kỹ năng như biết lắng nghe, biết chấp nhận, nhận ra cảm xúc của người đối diện bằng cảm nhận sâu sắc từ giọng nói, điệu bộ chứ không chỉ từ ngôn ngữ.
“Giáo dục sự cảm thông, sẻ chia, hỗ trợ là giáo dục nhân cách. Và, chỉ có thể dùng nhân cách lớn để giáo dục nhân cách trẻ nhỏ. Bởi vậy, cha mẹ phải là những tấm gương về hành vi ứng xử thể hiện lòng vị tha, tinh thần hy sinh, hành động giúp đỡ người khác”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.Tác giả: Tiểu học Kim An, Thanh Huyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn