Bí kíp rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ đơn giản tại nhà

Thứ bảy - 02/12/2023 11:13
Chào hỏi lễ phép là một kỹ năng sống có thể bắt đầu dạy trẻ ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Đây không chỉ là cách “gieo mầm” những thói quen tốt cho trẻ mà còn giúp trẻ hoà nhập tốt và được những người xung quanh yêu mến.
Bí kíp rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ đơn giản tại nhà
chao.jpg
Rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ trước tiên từ chào hỏi.

Kỹ năng giao tiếp bắt đầu từ thói quen chào hỏi

Chào hỏi lịch sự, lễ phép là cách thể hiện cho người khác thấy thái độ đúng đắn trong cuộc gặp gỡ. Đây là hành vi giao tiếp cơ bản hằng ngày giúp trẻ bắt đầu tạo sự kết nối với những người xung quanh. Ngoài ra, chào hỏi cũng là cách để giúp trẻ rèn luyện thái độ sống, thái độ tôn trọng và cái nhìn tích cực với mọi người.

Khi được nhắc nhở về việc chào hỏi người lớn, trẻ có thể sẽ thấy lo lắng hay buồn phiền. Nguyên nhân có thể là do trẻ có tâm lý chưa vững, cảm thấy sợ hãi người lạ, tâm lý khó chịu hoặc cũng có thể là trẻ muốn dành lại quyền quyết định việc chúng muốn làm.

Bắt đầu từ việc chào hỏi, trẻ sẽ rèn luyện kỹ năng giao tiếp và phát triển trong những năm tháng đầu đời, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ từ 3 – 5 tuổi. Đây là giai đoạn vàng để kích thích ngôn ngữ và gia tăng nhu cầu được tương tác, kết nối với thế giới xung quanh của hầu hết trẻ nhỏ.

chao-1.jpg
Trẻ em sẽ tự tin hơn khi có kỹ năng giao tiếp.

Bí kíp rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ đơn giản tại nhà

Căn cứ vào từng độ tuổi, thói quen và tính cách của con trẻ, cha mẹ hãy để ý và rèn luyện thói quen chào hỏi cho con mỗi ngày.

Hãy bắt đầu bằng việc làm gương cho trẻ học theo. Trẻ mẫu giáo đã có thể bắt chước cha mẹ chào hỏi người lớn tuổi trong nhà vào lúc đi ra khỏi nhà hoặc khi đi đâu về. Từ đây, hình thành thói quen chào hỏi những người xung quanh hàng xóm hoặc người thân hoặc các thầy cô giáo ở lớp, ở trường.

Cha mẹ cũng có thể khiến trẻ thích thú hơn với việc chào hỏi bằng cách kể chuyện và đóng vai các nhân vật trong cuộc hội thoại chào hỏi lẫn nhau. Sử dụng linh hoạt các dạng câu chào hỏi, hỏi thăm sức khoẻ, … để giúp trẻ vận dụng ngôn ngữ linh hoạt trong giao tiếp.

Khi thực hiện việc chào hỏi, cha mẹ hãy cố gắng kết hợp giao tiếp bằng mắt và thể hiện tình cảm bằng gương mặt đối với người đối diện. Điều này vừa tạo mối liên kết toàn diện giữa hai người trong giao tiếp vừa giúp trẻ tập trung vào nội dung giao tiếp.

Cha mẹ cũng cần dạy con trẻ nói lời cảm ơn, xin lỗi chân thành khi được giúp đỡ và khi mắc lỗi. Hãy bắt đầu bằng những lời cảm ơn khi được cho món quà bánh nhỏ và nói lời xin lỗi khi sơ ý làm đổ sữa hay đổ nước ra nhà.

Khi trẻ nói cám ơn, cha mẹ cần tán thưởng và khen ngợi. Khi trẻ nói xin lỗi, cha mẹ không phạt mà chỉ cần tìm giải pháp khắc phục. Không nên đe doạ, bắt buộc trẻ nói cảm ơn hoặc phạt trẻ nặng nề khi trẻ mắc lỗi.

Những việc làm này chỉ khiến trẻ thêm áp lực sinh ra các hành vi chống đối, thái độ cáu kỉnh khó chịu hơn mà thôi.

Trong giao tiếp với trẻ hàng ngày, cha mẹ cần hướng dẫn và nắn chỉnh những câu nói của trẻ sao cho đầy đủ chủ vị, rõ nghĩa và rõ từ ngữ. Việc này cần phải thực hiện thường xuyên và đòi hỏi sự kiên nhẫn và chú tâm của cha mẹ.

Tuy nhiên, nếu trẻ hình thành thói quen nói chuyện với đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ, linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ, trí tuệ của trẻ sẽ càng được củng cố và phát triển, trưởng thành hơn.

Cha mẹ hãy làm gương cho con trẻ về việc tôn trọng cảm xúc và ý kiến của người khác, ngay cả đối với trẻ. Việc này thể hiện qua sự tích cực lắng nghe, không ngắt lời và tranh cãi, phủ nhận ý kiến của trẻ. Trẻ cảm thấy mình được tôn trọng cũng sẽ bắt chước tôn trọng cha mẹ và người khác.

Cha mẹ cần ghi nhớ rằng, giao tiếp là cách thức hai chiều giữa người nói và người nghe. Do đó, cần tạo môi trường giao tiếp hiệu quả cho trẻ.

Cha mẹ dành thời gian trò chuyện với trẻ, kích thích con trình bày quan điểm của bản thân bằng các câu hỏi mở và thái độ lắng nghe để con mạnh dạn bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Cha mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, chơi với nhóm trẻ khác hoặc các trò chơi vân động có tính tập thể cao để trẻ tự tin, mạnh dạn hơn.

Cha mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành với con, hướng dẫn con để con tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong quá trình giao tiếp. Đây cũng là một kỹ năng xã hội quan trọng mà con cần phải học hỏi và rèn luyện mỗi ngày để hoà nhập tốt hơn trong cộng đồng./.

Tác giả: Tiểu học Kim An, Thanh Loan

Nguồn tin: Báo Giáo dục thủ đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây