Hãy nhìn vào mắt con
Khi con về nhà muộn mà không nói rõ lý do, cha mẹ hay chất vấn các lý do khác nhau dẫn tới việc về muộn. Chưa kể, cha mẹ còn quy kết cho rằng con nói dối, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.
Thực ra, chỉ cần nhìn vào mắt trẻ, cha mẹ có thể hiểu được nguyên nhân thực sự mà trẻ nói. Hãy nói “Nhìn vào mẹ” và dùng ánh mắt tin tưởng, nghiêm khắc nhìn con, yêu cầu con nói lại một lần nữa lý do vì sao về muộn.
Rất nhiều trẻ nói dối sẽ sợ ánh mặt nghiêm khắc của cha mẹ và sẽ nói thật. Lúc này, cha mẹ không nên nổi nóng, mắng mỏ con mà nên khoan dung, nhắc nhở để lần sau con không nói dối nữa.
Đôi khi cha mẹ hay thờ ơ với con trẻ. Nhiều lần nói chuyện với trẻ mà vẫn không rời mắt khỏi trang báo, tivi… hay đơn giản là tiếp tục rửa chén bát khi nói chuyện.
Cha mẹ hãy thay đổi thói quen giao tiếp bằng cách nhìn vào mắt con. Đó cũng là cách biểu thị sự quan tâm thật sự đến những điều mà trẻ đang nói.
Hãy tôn trọng quyền tự do ngôn luận của trẻ ngay cả khi ý kiến đó trái ngược với quy luật thông thường. Nếu quan điểm của trẻ là sai thì cha mẹ lắng nghe để có những định hướng cho trẻ ngay trong cuộc trò chuyện mà không cần phải đợi tới một khi nào khác.
Muốn nói chuyện với con, cha mẹ cũng nên học cách đặt câu hỏi gợi mở để vừa tạo không khí thú vị cho câu chuyện vừa tạo cơ hội để trẻ bày tỏ ý kiến của mình. Các câu hỏi càng chi tiết thì càng hiệu quả cho cuộc trò chuyện.
Giữa cha mẹ và con cái, ánh mắt là một trong những phương thức trao đổi thông tin hữu hiệu nhất. Ánh mắt của cha mẹ sẽ mang đến sự cổ vũ, niềm tin, dũng khí, an ủi và sự cảm thông lớn đối với con cái. Ánh mắt nghiêm khắc của cha mẹ thường có tác dụng giáo dục tốt hơn là thái độ thô bạo.
Khi trẻ nhận được ánh mắt vui vẻ, biểu dương của cha mẹ, trẻ sẽ đáp lại bằng ánh mắt vui tươi, rạng ngời. Ngược lại, với một số hành vi nào đó, khi cha mẹ dùng ánh mắt phủ nhận, lúc này trẻ sẽ dùng ánh mắt nghi hoặc đối với cha mẹ. Đây chính là cách trao đổi thông tin hiệu quả thông qua ánh mắt, cũng là bản năng vốn có giữa cha mẹ và con cái, không cần học hỏi mà tự nhiên có được.
Khi con dần lớn lên, cha mẹ nói chuyện với trẻ cũng không nên coi nhẹ phương thức giao tiếp bằng ánh mắt. Bất cứ lúc nào cũng nên nhìn vào mắt con để hiểu về cảm xúc của con. Ánh mắt của trẻ thường biểu lộ một cách chân thành những hoạt động thực tế trong nội tâm.
Mỗi khi trẻ nói dối, cho dù có cố tỏ ra chân thật thì ánh mắt cũng không giấu giếm được. Khi cha mẹ nghi oan cho trẻ, ánh mắt trẻ sẽ tỏ rõ sự tủi thân. Vậy nên, cha mẹ khi nói chuyện cùng con, cần thể hiện sự quan tâm chân thành thông qua ánh mắt, nhìn vào mắt trẻ để cùng tâm sự, trò chuyện.
Từ trong ánh mắt con trẻ, cha mẹ có thể đọc được rất nhiều điều. Một đứa trẻ lành mạnh, năng động, ánh mắt thường tràn đầy lòng nhiệt tình, khát vọng. Nếu tâm hồn trẻ đã từng bị tổn thương thì ánh mắt sẽ lộ ra những tâm trạng không tốt như nghi hoặc, bất mãn, lạnh lùng, vô cảm...
Cha mẹ hãy là điểm tựa về cảm xúc để con luôn thấy rằng bằng mọi cách, cha mẹ vẫn yêu thương con và sẵn sàng chia sẻ với con mọi việc trong cuộc sống. Bằng cách tạo ra cơ hội trò chuyện, dành thời gian tập trung vào cuộc trò chuyện để thấu hiểu lẫn nhau.
Hãy nhớ rằng, cuộc sống này luôn có nhiều công việc cuốn ta đi. Không có thời điểm lý tưởng hay thích hợp nào để cha mẹ cùng con cái trò chuyện mà chính hai bên phải tự tạo ra cơ hội để trò chuyện. Dành thời gian cho nhau là giải pháp kết nối tình thân duy nhất và hiệu quả nhất trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Đôi khi, chỉ một ánh mắt cổ vũ của cha mẹ cũng khiến trẻ dũng cảm vượt qua khó khăn của chính mình.
Tác giả: Tiểu học Kim An, Trương Thị Hoa
Nguồn tin: Báo Giáo dục thủ đô:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn