Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, dẫn đến nảy sinh bất cập... Ghi nhận ý kiến, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch dạy học các môn học này nhằm gỡ khó cho cơ sở giáo dục.
Cô Dương Thị Hải Long - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: Dù cố gắng trong triển khai giảng dạy các môn tích hợp, nhưng khó khăn lớn nhất với trường thời gian qua vẫn là phân công giáo viên. Thời khóa biểu phải thay đổi liên tục, có khi theo tuần. Giáo viên có giai đoạn phải đảm nhiệm nhiều giờ, khi ngược lại… Nguyên nhân bởi chưa có người đảm nhiệm toàn bộ 3 phân môn trong 1 môn học/hoạt động giáo dục.
Nói về khó khăn trong quá trình dạy tích hợp, cô Phạm Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cho hay: Dạy kiến thức không thuộc chuyên môn chính, giáo viên mất nhiều thời gian chuẩn bị bài; hơn nữa, phần kiến thức chi tiết, phải đi sâu hơn không thể bằng giáo viên có chuyên môn. Vì vậy, khi giảng dạy khó đưa ra câu trả lời thỏa mãn mong muốn học sinh. Giáo viên đã tiếp cận, tập huấn chương trình nhưng thực tế giảng dạy có một số kiến thức chưa đồng nhất giữa các phân môn gây trở ngại cho thầy và trò.
Tại sự kiện “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục” tổ chức tháng 8/2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận triển khai môn tích hợp là điểm nghẽn trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 và dự kiến xem xét, điều chỉnh theo hướng phù hợp.
Tháng 10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 5636/BGDĐT- GDTrH về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Công văn được giáo viên cả nước đón nhận, bước đầu đưa ra gợi mở về xây dựng kế hoạch dạy học môn tích hợp.
Tác giả: Tiểu học Kim An
Nguồn tin: Báo giáo dục thời đại
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn